Khoảng 30 % đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp là nữ giới

Hoàng Mạnh

(Dân trí) - Theo Bộ LĐ-TB&XH, sau 10 năm triển khai Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới, Việt Nam đã thu được nhiều kết quả đáng khích lệ, góp phần thu hẹp khoảng cách giới trong các lĩnh vực...

Khoảng 30 % đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp là nữ giới - 1

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà.

Sáng 12/8/2021, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) phối hợp với Cơ quan Liên Hợp Quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women) và Đại sứ quán Úc tại Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 và triển khai Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030.

Đây là hoạt động trong khuôn khổ hỗ trợ của Đại sứ quán Úc tại Việt Nam cho việc rà soát thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 (Chiến lược 2011-2020) và xây dựng Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030 (Chiến lược 2021-2030).

Phát biểu khai mạc Hội nghị, từ đầu cầu Hà Nội, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà khẳng định với nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sau 10 năm triển khai Chiến lược, Việt Nam đã thu được nhiều kết quả đáng khích lệ, góp phần thu hẹp khoảng cách giới trong các lĩnh vực, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế- xã hội của đất nước.

"Đặc biệt, kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 với tỷ lệ 30,26% nữ đại biểu Quốc hội và gần 30% nữ tham gia HĐND các cấp là minh chứng rõ nét cho những nỗ lực trong thực hiện bình đẳng giới ở Việt Nam" - Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà cho biết.

Khoảng 30 % đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp là nữ giới - 2

Nhiều kết quả về thực hiện chính sách bình đẳng giới được chia sẻ tại Hội nghị.

Lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH cũng đánh giá các thành tựu trên sẽ là nền tảng vững chắc để các cấp, ngành tiếp tục duy trì và phát huy hơn nữa trong việc thực hiện các mục tiêu quốc gia bình đẳng giới trong giai đoạn tới.

Với tư cách là đại diện cơ quan Liên hợp quốc hỗ trợ kỹ thuật trong quá trình xây dựng Chiến lược 2021-2030, bà Elisa Fernandez Saenz, Trưởng đại diện UN Women tại Việt Nam cho biết: "Quá trình rà soát việc thực hiện Chiến lược giai đoạn 10 năm vừa qua cho thấy, việc đảm bảo nguồn lực tài chính cho bình đẳng giới, đặc biệt từ nguồn chi đầu tư từ ngân sách nhà nước để đủ nguồn lực để thực hiện các mục tiêu của Chiến lược là việc rất cần thiết".

Để làm được điều này, bà Elisa Fernandez Saenz lưu ý việc cần phải đảm bảo các mục tiêu của Chiến lược được lồng ghép một cách nghiêm túc trong các kế hoạch của ngành và địa phương, cũng như các chương trình mục tiêu quốc gia.

Khoảng 30 % đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp là nữ giới - 3

Bà Elisa Fernandez Saenz, Trưởng đại diện UN Women tại Việt Nam.

"Việt Nam cũng cần đầu tư có mục tiêu vào thay đổi chuẩn mực xã hội theo hướng thúc đẩy cho bình đẳng giới, đây là điều cốt lõi để thúc đẩy bình đẳng giới mà rất nhiều quốc gia trên thế giới đã phải trải qua. Đây cũng chính là mục tiêu đầu tiên của Chiến lược 2021-2030" - bà Elisa Fernandez Saenz nói.

Năm 2019, thực hiện sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH, với sự hỗ trợ kỹ thuật và tài chính từ UN Women và ĐSQ Úc tại Việt Nam, đã tiến hành rà soát, đánh giá kết quả thực hiện Chiến lược 2011-2020 để làm cơ sở cho việc xây dựng Chiến lược 2021-2030.

Quá trình xây dựng và hoàn thiện dự thảo Chiến lược 2021-2030 đã nhận được sự tham gia, đóng góp ý kiến của hơn 500 đại biểu là đại diện các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức Liên hợp quốc, tổ chức xã hội, tổ chức phi chính phủ quốc tế và các nhóm đại diện cho người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, nhóm LGBT, thanh niên...

Khoảng 30 % đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp là nữ giới - 4

Các đại biểu tham gia hội nghị.

Việc xây dựng các mục tiêu, chỉ tiêu của Chiến lược 2021-2030 được xác định cần phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới của đất nước, hội nhập kinh tế quốc tế và đồng thời hướng tới thực hiện thành công các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030.

Trong lộ trình xây dựng thể chế về lĩnh vực này, ngày 3/3/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 28/NQ-CP phê duyệt Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030 với mục tiêu tổng quát "Tiếp tục thu hẹp khoảng cách giới, tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ và nam giới tham gia, thụ hưởng bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước".

Để triển khai thực hiện Chiến lược 2021-2030, cũng trong khuôn khổ hợp tác với UNWomen và DFAT, Bộ LĐTBXH đã triển khai xây dựng tài liệu hướng dẫn thu thập số liệu và báo cáo kết quả thực hiện Chiến lược nhằm hướng dẫn các bộ ngành chủ chốt và các địa phương thực hiện đồng bộ, thống nhất việc thu thập số liệu, báo cáo tình hình thực hiện Chiến lược hằng năm, hướng tới đảm bảo việc theo dõi, đánh giá thực hiện Chiến lược một cách hiệu quả.

Khoảng 30 % đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp là nữ giới - 5

Bà Robyn Mudie, Đại sứ Australia tại Việt Nam.

Cũng tại Hội nghị, bà Robyn Mudie, Đại sứ Australia tại Việt Nam, chúc mừng Chính phủ Việt Nam về việc công bố Chiến lược 2021-2030: "Chiến lược cũng sẽ tiếp tục giải quyết các vấn đề lâu nay như nhận thức về năng lực lãnh đạo của phụ nữ và các chuẩn mực xã hội làm giảm giá trị của phụ nữ ".

Tại Hội nghị, lãnh đạo của Bộ LĐ-TB&XH và UN Women đã kêu gọi nhiều hơn nữa những nỗ lực chung từ phía các bộ, ban, ngành của Chính phủ, các tổ chức xã hội, khu vực tư nhân và các cơ quan của Liên hợp quốc trong việc thúc đẩy bình đẳng giới, hướng tới phát triển bền vững vào năm 2030, để không ai bị bỏ lại phía sau.

5 nhóm nhiệm vụ chính giai đoạn 2021-2030

Bế mạc Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà đề nghị các bộ, ngành, cơ quan trung ương và địa phương cần tập trung thực hiện một số giải pháp để thực hiện thành công Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030 như sau:

Thứ nhất, rà soát, đánh giá, đề xuất các chính sách đặc thù thúc đẩy bình đẳng giới, trong đó ưu tiên nhóm đối tượng yếu thế, bao gồm phụ nữ, trẻ em ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn;

Thứ hai, chủ động thực hiện lồng ghép các mục tiêu, chỉ tiêu của Chiến lược, Kế hoạch về bình đẳng giới vào các chiến lược, chương trình, đề án, kế hoạch, dự án của đơn vị, địa phương và đảm bảo bố trí kinh phí cho việc thực hiện các mục tiêu về bình đẳng giới;

Thứ ba, triển khai hiệu quả công tác truyền thông về bình đẳng giới; thu thập và hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về bình đẳng giới; mở rộng các mô hình, dịch vụ về bình đẳng giới;

Thứ tư, quan tâm tới công tác nghiên cứu khoa học về bình đẳng giới, thường xuyên làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các chỉ tiêu, mục tiêu của Chiến lược ở các cấp;

Thứ năm, tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước với các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức quốc tế nhằm nâng cao hiệu quả công tác bình đẳng giới.