Hơn 2.800 đơn vị chậm đóng gần 467 tỷ đồng bảo hiểm xã hội
(Dân trí) - Theo báo cáo của BHXH tỉnh Thanh Hóa, hết quý I/2023, trên địa bàn có 2.871 mã đơn vị chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN từ 3 tháng trở lên với tổng số tiền gần 467 tỷ đồng.
Trong đó, có 546 đơn vị chậm đóng khó thu (do mất tích, phá sản, giải thể, dừng hoạt động...) với tổng số tiền hơn 123 tỷ đồng; 439 đơn vị còn lao động đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đang hoạt động, chậm đóng từ 6 tháng trở lên với tổng số tiền gần 259 tỷ đồng; 154 đơn vị hiện nay không còn lao động tham gia đóng BHXH, BHYT, BHTN nhưng có chậm đóng với tổng số tiền hơn 13 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, có 51 đơn vị hành chính sự nghiệp chậm đóng với số tiền hơn 6,8 tỷ đồng. Trong đó, dẫn đầu vẫn là Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng thành phố Thanh Hóa chậm đóng số tiền gần 3,3 tỷ đồng.
Theo BHXH Thanh Hóa, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp vẫn còn khó khăn, dẫn đến một số doanh nghiệp chưa thực hiện kịp thời việc đóng nộp BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động; một số doanh nghiệp chưa thực hiện đúng quy định trong việc thu, nộp BHXH, BHYT, BHTN; chưa phối hợp với cơ quan BHXH hoặc cam kết lộ trình trả nợ nhưng không thực hiện.
Doanh nghiệp có số tiền chậm đóng lớn và thời gian kéo dài như: Công ty TNHH FLC SAMSON GOLF & RESORT chậm đóng số tiền hơn 22 tỷ đồng; Công ty TNHH một thành viên công nghiệp tàu thủy Thanh Hóa chậm đóng gần 16 tỷ đồng; Công ty cổ phần Lilama 5 chậm đóng 54 tháng với số tiền hơn 15 tỷ đồng…
Một số doanh nghiệp có số tiền chậm đóng lớn, lao động ít hoặc đã giảm hết, thời gian chậm đóng kéo dài, điển hình như: Công ty CP xây dựng Hancorp.2 chậm đóng hơn 38 tỷ đồng; Công ty CP công nghiệp tàu thủy Hoàng Long chậm đóng hơn 7,7 tỷ đồng; Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Công trình giao thông 838 chậm đóng gần 6,7 tỷ đồng…
Một số doanh nghiệp hiện nay không còn văn phòng giao dịch, không hoạt động sản xuất kinh doanh tại Thanh Hóa nhưng số tiền chậm đóng lớn như: Công ty cổ phần xây dựng số 5 (địa chỉ tầng 2 nhà Vimeco, lô E9 đường Phạm Hùng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội); Chi nhánh Công ty cổ phần Sông Đà 4 (địa chỉ tầng 3 Tòa nhà TM, KĐT Văn Khê, La Khê, Hà Đông, Hà Nội); Xí nghiệp Sông Đà 10.5 (địa chỉ lấy địa chỉ của Công ty CP Sông Đà 10); Chi nhánh Công ty cổ phần Sông Đà 4 (địa chỉ Công ty cổ phần Sông Đà 4 - tầng 3 - tòa nhà TM - KĐT Văn Khê - La Khê - Hà Đông - Hà Nội).
Theo BHXH Thanh Hóa, quý II/2023, dự báo tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp mặc dù có các yếu tố thuận lợi, nhưng khó khăn và thách thức nhiều hơn; người lao động trong các doanh nghiệp tiếp tục có nguy cơ tạm dừng việc, nghỉ việc, thậm chí mất việc, ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện công tác phát triển người tham gia và đặc biệt là ảnh hưởng đến công tác đôn đốc thu nộp BHXH, BHYT, BHTN.
Để hạn chế tình trạng chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHXH tỉnh Thanh Hóa nghiêm túc thực hiện kết luận của Thường trực HĐND tỉnh Thanh Hóa về tình trạng chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN kéo dài trên địa bàn, giai đoạn 2020-2022.
Đồng thời, thực hiện thanh tra theo kế hoạch, thanh tra chuyên ngành đột xuất đối với đơn vị chậm đóng, đơn vị chưa tham gia hoặc tham gia không đầy đủ BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động... qua đó kịp thời xử lý, kiến nghị cơ quan chức năng xử lý các hành vi vi phạm pháp luật BHXH, BHTN, BHYT theo quy định của pháp luật…
Mới đây, trả lời cử tri tại Thanh Hóa, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho rằng, tình trạng nợ đọng bảo hiểm, trốn đóng bảo hiểm còn nhiều. Hiện cả nước có tới 300.000 doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, việc xử lý vấn đề nợ, trốn, chậm BHXH không chỉ phong tỏa hóa đơn, phong tỏa tài khoản doanh nghiệp là xong mà phải xử lý nghiêm, mạnh tay. Hiện nay, số tiền mà doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm khoảng 13.000 tỷ đồng. Điều này khiến hàng trăm ngàn lao động không được hưởng BHXH, bảo hiểm y tế, các quyền lợi về thai sản, gây bức xúc, nhức nhối.