Hối hận sau khi rút BHXH một lần, muốn nộp lại được không?
(Dân trí) - Nhiều lao động lỡ rút BHXH một lần khi gặp khó khăn, nay muốn nộp lại số tiền đã rút để tham gia BHXH lại được không?
Về già hối hận
Thống kê giai đoạn 2016-2021 cho thấy có hơn 4,25 triệu lao động tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) nhưng cũng có đến 4,06 triệu người rút BHXH một lần, tức là số người trong hệ thống BHXH tăng trưởng không nhiều. Trong giai đoạn này, bình quân mỗi năm gần 700.000 người rút BHXH một lần và tăng theo từng năm.
Nếu như năm 2020 có 860.000 người rút BHXH một lần thì sang năm 2021 có 960.000 người. Năm 2022 giảm nhẹ so với năm 2021, có 895.000 người.
Trên địa bàn TPHCM, trong quý I/2023 đã có gần 26.000 người hưởng BHXH một lần, tăng hơn 6% so với quý IV/2022 (hơn 24.000 người), giảm 16% so với cùng kỳ năm 2022 (gần 31.000 người). Số lượng người rút BHXH một lần ở mức rất cao đang gây áp lực quá tải cho các cơ sở BHXH trên địa bàn thành phố.
Theo ông Nguyễn Văn Nho, Phó trưởng Ban Chính sách - Pháp luật - Quan hệ lao động, Liên đoàn lao động tỉnh Tây Ninh rút BHXH một lần đang trở thành xu hướng khi người lao động nghỉ việc mà chưa tới tuổi hưu. Ông cho rằng, đó là sai lầm rất lớn vì người lao động không lường hết được khó khăn khi tuổi về già.
Ông cho biết, khi nhà nước lần đầu tiên cho công nhân mất sức nghỉ hưu sớm nhận chế độ trợ cấp một lần vào năm 1993 thì có rất nhiều người xin nghỉ việc để nhận số tiền này.
"Thời điểm đó mấy chục triệu lớn lắm, ai cũng nghĩ mình nhận rồi chia cho con cháu làm ăn, sau này mình già thì nó chăm lo lại cho mình. Nhưng bây giờ thì khổ lắm, sống phải nhìn mặt con cháu, nó vui thì cho, không thì thôi", ông Nho chia sẻ.
Tại hội nghị góp ý cho dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), nhiều cán bộ công đoàn các tỉnh phía nam cũng ghi nhận nhiều trường hợp lao động lớn tuổi ân hận vì đã rút BHXH một lần, nay sắp đến tuổi hưu thì không đủ điều kiện để hưởng chế độ hưu trí.
Các đại biểu đề xuất nên có quy định cho người lao động đã rút BHXH một lần lúc khó khăn, khi giải quyết xong khó khăn và có tiền thì được đóng lại số tiền đã hưởng BHXH một lần để phục hồi quá trình tham gia BHXH.
Cân nhắc kỹ trước khi quyết định
Theo BHXH Việt Nam, trong thực tế đã có rất nhiều trường hợp sau khi nhận BHXH một lần muốn nộp lại tiền để phục hồi số năm đã tham gia BHXH cho đủ điều kiện hưởng lương hưu, nhưng pháp luật về BHXH chưa quy định về trường hợp này. Có nghĩa là, nếu đã hưởng BHXH một lần thì quá trình đóng trước đó không còn, khi đi làm trở lại, người lao động phải tham gia BHXH lại từ đầu.
Vì vậy, người lao động nên cân nhắc kỹ trước khi quyết định hưởng BHXH một lần. Cách hữu hiệu nhất để có tuổi già an yên, không phụ thuộc vào con cháu là có nguồn tài chính ổn định qua lương hưu hằng tháng khi về già và được cấp thẻ BHYT để chăm sóc sức khỏe trong suốt thời gian hưởng lương hưu.
Theo ông Vũ Ngọc Hà, Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật công đoàn (Liên đoàn lao động Đồng Nai), trong năm 2022, trên địa bàn tỉnh có nhiều đợt công nhân muốn nghỉ việc tập thể để rút BHXH một lần.
Trung tâm tổ chức hơn 20 buổi nói chuyện với công nhân, làm rõ cho người lao động thấy lợi ích khi không rút BHXH một lần là được hưởng chế độ hưu trí với số tiền lợi hơn rút BHXH một lần rất nhiều, đảm bảo cuộc sống khi về già.
Đồng thời, chỉ rõ thiệt hại trước mắt là họ sẽ mất đi công việc ổn định có mức lương cao sau nhiều năm làm việc, có thâm niên. Khi nghỉ việc chỉ để rút BHXH một lần, sau đó đi làm lại thì mức lương khởi điểm thấp hơn hiện tại nhiều...
Về lâu dài, việc rút BHXH một lần sẽ ảnh hưởng đến quá trình đóng, dẫn đến việc người lao động khó đủ điều kiện hưởng lương hưu. Khi hiểu rõ lợi - hại, công nhân mới thôi ý định rút BHXH một lần.
BHXH Việt Nam cho rằng, nếu chẳng may trong tình huống bị thất nghiệp, người lao động nên đăng ký nhận trợ cấp thất nghiệp, trợ cấp học nghề để vượt qua khó khăn trong thời gian tìm công việc mới. Còn quá trình đóng BHXH nên bảo lưu, chờ tìm được công việc mới sẽ tham gia trở lại.
Mức trợ cấp thất nghiệp hiện nay bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp cũng không phải là thấp để duy trì cuộc sống. Người lao động còn được hưởng chế độ bảo hiểm y tế dành cho người lao động thất nghiệp theo quy định để khám, chữa bệnh khi không may ốm đau.
Ngoài ra, trong thời gian thất nghiệp, người lao động còn được hưởng chế độ hỗ trợ học nghề (tối đa 1 triệu đồng/người/tháng); hỗ trợ, tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí; đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề…
Theo BHXH Việt Nam, khi qua giai đoạn khó khăn, người lao động có cơ hội trở lại thị trường lao động, tiếp tục được đóng BHXH để cộng nối thời gian tính hưởng lương hưu sau này.