Quảng Nam
Những câu hỏi đầy lo lắng của công nhân về rút BHXH một lần
(Dân trí) - Rất nhiều ý kiến băn khoăn về Luật BHXH mới được công nhân, người lao động đặt ra và đã được BHXH trả lời, giải đáp để người lao động bớt lo lắng, tiếp tục đồng hành để yên tâm khi về hưu.
UBND huyện Thăng Bình và BHXH tỉnh Quảng Nam vừa tổ chức đối thoại với hàng trăm công nhân may Công ty May mặc OneWoo đóng tại huyện Thăng Bình.
Thời gian từ tháng 2 tới nay, trước thông tin dự thảo Luật BHXH mới 2024, người lao động tại Công ty có nhiều thắc mắc và kiến nghị.
Theo lãnh đạo Công ty, một số người lao động đã có đơn nghỉ việc với mục đích nhận BHXH một lần cho kịp trước khi Luật BHXH 2024 có hiệu lực. Một số người khác lo lắng, hoang mang, không biết khi Luật BHXH này có hiệu lực thì có đảm bảo được quyền lợi cho chính họ hay không?
Sở dĩ có vấn đề này là do Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) có nêu nội dung "Đối với quy định về BHXH một lần, dự thảo xin ý kiến với 2 phương án. Phương án 1 là giữ nguyên quy định hiện hành của luật và Nghị quyết 93/2015/QH13.
Phương án 2 là quy định thay đổi theo hướng vẫn cho phép người lao động hưởng BHXH một lần một phần để trước mắt đáp ứng nhu cầu của bản thân, gia đình và bảo lưu phần còn lại để có thể tiếp tục tham gia và hưởng chế độ khi đủ tuổi nghỉ hưu.
Để người lao động yên tâm làm việc cũng như đảm bảo quyền lợi cho công nhân, công ty tổ chức buổi đối thoại trực tiếp giữa BHXH tỉnh với người lao động.
Công nhân Nguyễn Thị Hương hỏi: "Tôi năm nay 43 tuổi, đã tham gia BHXH được 12 năm 6 tháng, giờ tôi muốn nghỉ việc và muốn rút BHXH một lần được không? Nếu được rút thì rút được bao nhiêu năm, hay rút 50% như năm đóng?
Công nhân Đoàn Thị Kim Thương thắc mắc: "Nếu người lao động đóng BHXH chưa đủ điều kiện để hưởng lương hưu, nhưng không có điều kiện đóng tiếp thì được hưởng BHXH một lần theo yêu cầu của người lao động hay bắt buộc phải rút 50%, còn lại 50% như dự thảo Luật BHXH quy định ở phương án 2 nếu được thông qua?".
Công nhân Nguyễn Thị Viễn băn khoăn: "Tôi đã tham gia BHXH được 17 năm, vậy bây giờ tôi nghỉ việc thì có được rút BHXH một lần không?".
Công nhân Đặng Thị Minh Ái chia sẻ: "Bản thân tôi đóng BHXH được 7 năm, nếu vì lý do gì đó tôi không làm việc nữa, tôi rút BHXH một lần thì chỉ được có 50%, còn lại 50% để về hưu. Khi nghỉ việc, tôi không đi làm ở đâu và không tham gia BHXH nữa thì tôi có thể nhận BHXH một lần được không?
Tại buổi đối thoại, nhiều công nhân cũng bày tỏ băn khoăn với cơ quan chức năng về dự thảo Luật BHXH mới. Người lao động cho hay, họ nhận thức được lương hưu là rất quan trọng cho cuộc sống sau này khi hết tuổi lao động. Tuy nhiên, họ cũng mong muốn Luật BHXH mới (sửa đổi) đảm bảo quyền lợi cho người lao động, công nhân để ai cũng yên tâm làm việc, cống hiến.
Trao đổi với người lao động tại buổi đối thoại, ông Nguyễn Văn Hùng - Phó Giám đốc BHXH tỉnh Quảng Nam thông tin: Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) tạo sự quan tâm lớn của người lao động, nhiều người muốn biết để nhận BHXH một lần. BHXH là chính sách an sinh dành cho người không còn khả năng lao động.
Theo lãnh đạo BHXH tỉnh Quảng Nam, đối với chính sách hưởng BHXH một lần, người lao động có thể giải quyết khó khăn trước mắt, nhưng về lâu dài lại không đảm bảo. Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) cũng sẽ sửa đổi theo hướng giảm thời gian đóng BHXH xuống còn 15 năm, thậm chí 10 năm để người lao động có đủ điều kiện đóng và hưởng phù hợp.
Nếu người lao động rút BHXH nhận một lần, người lao động sẽ không có BHYT và các quyền lợi liên quan khác. Sau này, người lao động cũng không được hưởng chế độ tử tuất, người thân cũng không được hưởng chế độ trợ cấp khi bản thân người lao động không còn.
Phó Giám đốc BHXH tỉnh Quảng Nam khuyên người lao động yên tâm làm việc, chính sách BHXH sửa đổi đều có lợi hơn cho người lao động, công nhân.
Theo BHXH tỉnh Quảng Nam, sau khi được giải đáp đầy đủ, kịp thời các vướng mắc liên quan đến lĩnh vực BHXH, đa số công nhân hài lòng về chính sách BHXH. Từ đó, tạo sự đồng thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động, nâng cao nhận thức về quyền lợi, trách nhiệm tham gia, thụ hưởng chính sách, chế độ BHXH.