Điều gì xảy ra nếu bỏ quy định chờ 12 tháng mới được rút BHXH một lần?
(Dân trí) - Chuyên gia dự báo nếu giảm điều kiện chờ rút BHXH một lần sau khi nghỉ việc từ 12 tháng xuống còn 3 tháng, số lao động rút BHXH một lần sẽ tăng cao.
Tại dự thảo Luật BHXH sửa đổi đang được lấy ý kiến rộng rãi, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất 2 phương án hưởng BHXH một lần. Trong cả 2 phương án, một điều kiện được đưa ra là sau thời gian 12 tháng người lao động không tham gia BHXH thì được rút bảo hiểm.
Góp ý về điểm này, Tổng Liên đoàn Lao động (TLĐLĐ) Việt Nam đề xuất giảm điều kiện chờ rút BHXH một lần sau khi lao động nghỉ việc từ 12 xuống còn 3 tháng.
Đại diện công đoàn lý giải, khi gặp khó khăn, không còn nguồn tiền nào khác người lao động mới phải nghĩ đến rút BHXH một lần. Nếu phải chờ tới 12 tháng sau khi nghỉ việc mới được rút BHXH thì quá lâu. Trong khoảng thời gian chờ, người lao động dễ tìm đến tín dụng đen, thậm chí "bán non sổ BHXH".
Về đề xuất của bên công đoàn, các chuyên gia băn khoăn, việc rút điều kiện ràng buộc về thời gian sẽ khiến số người rút BHXH một lần tăng lên.
Ở góc độ cơ quan soạn thảo, ông Nguyễn Duy Cường, Phó Vụ trưởng Vụ BHXH, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, theo tinh thần của Nghị quyết 28 năm 2018 của Trung ương về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội là hạn chế rút BHXH một lần, nhà nước khuyến khích những người lao động ở lại hệ thống để hết tuổi lao động sẽ có lương hưu.
Việc đề xuất giảm điều kiện hưởng BHXH một lần từ 12 tháng xuống 3 tháng nghỉ việc vô hình trung lại "khuyến khích" người lao động nhận BHXH một lần, như thế rất nguy hiểm.
"Nếu bỏ quy định chờ 12 tháng, chắc chắn số lao động rút bảo hiểm xã hội một lần sẽ tăng cao", ông Cường dự báo.
Phó Vụ trưởng Vụ BHXH cho rằng, một năm là quãng thời gian chờ cần thiết để người lao động nỗ lực tìm việc mới và cân nhắc có rút BHXH một lần hay không. Quy định này cũng đồng bộ với điều khoản thiết kế về bảo hiểm thất nghiệp, khi lao động có thể hưởng trợ cấp tối đa 12 tháng.
"Thực tế trong số 4,06 triệu lao động rút một lần có khoảng 1,2 triệu người đã quay lại đóng BHXH khi tìm được việc mới. Và nhiều người hưởng BHXH một lần đã đề nghị trả lại tiền để bảo lưu thời gian đóng nhằm hưởng lương hưu nhưng không được", ông Cường nói.
Liên quan đến vấn đề này, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân cho biết, trước đây Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 93/2015/QH13 ngày 22/6/2015 về thực hiện chính sách hưởng BHXH một lần đối với người lao động.
Trong đó, đưa ra quy định trường hợp người lao động tham gia BHXH bắt buộc sau 1 năm nghỉ việc, người lao động tham gia BHXH tự nguyện sau 1 năm không tiếp tục đóng BHXH mới được xem xét hưởng BHXH một lần.
Quy định này là để hạn chế rút BHXH một lần. Bây giờ cần tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 28, đánh giá lại về số người lao động đã đề nghị và được hưởng BHXH một lần để có căn cứ tính toán.
"Dựa trên cơ sở nào TLĐLĐ Việt Nam lại đề xuất giảm điều kiện thời gian xuống còn 3 tháng? Nếu đã rút điều kiện thời gian chờ, sao không đề xuất cho người lao động rút ngay khi chấm dứt hợp đồng lao động?", ông Huân đặt câu hỏi.
Ông phân tích thêm, Luật Bảo hiểm xã hội các năm 2006 và 2014 quy định người lao động phải chờ 12 tháng để cân nhắc việc rút BHXH một lần. Nhưng nhiều thay đổi thời gian qua đã tác động dẫn đến hiện tượng rút bảo hiểm đang rất phức tạp, nguy cơ để lại gánh nặng an sinh lớn với đất nước thời gian tới.
"Nếu đặt mục tiêu người già sau tuổi nghỉ hưu đều được lưới an sinh bao bọc thì không thể để tình trạng rút bảo hiểm kéo dài. Cơ quan soạn thảo cần đặt ra lộ trình "chống sốc" cho người lao động bằng cách cho rút 50% đến một khoảng thời gian nhất định, sau đó không giải quyết nữa", ông Huân nêu quan điểm.
Nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, để thu hút và giữ chân người lao động ở lại hệ thống BHXH thì cần tăng quyền lợi cũng như tạo môi trường làm việc ổn định.
Bên cạnh đó, người lao động cũng cần được cung cấp thông tin, trang bị kiến thức, hiểu biết để thấy được tác dụng của chính sách BHXH nhằm đảm bảo an sinh khi về già.