Hỗ trợ người khó khăn: Xét duyệt chặt chẽ nhưng thủ tục phải thông thoáng!

Hoàng Lam

(Dân trí) - Tỉnh Nghệ An mở rộng nhiều nhóm lao động tự do bị ảnh hưởng dịch Covid-19 được hỗ trợ nhưng chưa bao quát hết. Việc hỗ trợ ưu tiên nhóm lao động khó khăn nhất, bị ảnh hưởng sâu nhất.

Báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tỉnh Nghệ An, tính đến ngày 26/11, UBND tỉnh Nghệ An đã cấp kinh phí hỗ trợ cho 72.886 lượt đối tượng, số tiền hơn 107,7 tỷ đồng; giải ngân hơn 73 tỷ đồng cho 48.784 đối tượng lao động tự do.

Có 7.101 đơn vị với 157.594 lao động được giảm mức đóng vào Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động - Bệnh nghề nghiệp với số tiền hơn 18,4 tỷ đồng trên tổng kinh phí dự kiến 41,7 tỷ đồng. 13 đơn vị (821 lao động) được giải quyết dừng đóng Quỹ Bảo hiểm hưu trí và tử tuất số tiền 5,6 tỷ đồng; 30 doanh nghiệp (2.357 lượt lao động) được vay vốn trả lương, phục hồi sản xuất số tiền hơn 7,2 tỷ đồng.

Hỗ trợ người khó khăn: Xét duyệt chặt chẽ nhưng thủ tục phải thông thoáng! - 1

Thực hiện các chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động, người lao động bị ảnh hưởng dịch Covid-19 là vấn đề "nóng" được đưa ra chất vấn tại kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII diễn ra chiều 8/12 (Ảnh: Hoàng Lam).

Cơ quan Bảo hiểm xã hội tỉnh Nghệ An đã thực hiện giảm mức đóng Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cho 6.856 đơn vị, tương ứng 155.135 lao động số tiền hơn 14,4 tỷ đồng; chi trả hỗ trợ hơn 402,5 tỷ đồng cho hơn 169.500 lao động từ kết dư Quỹ BHTN.

Những bất cập, vướng mắc trong quá trình thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động ảnh hưởng dịch Covid-19 đã được các đại biểu đưa ra mổ xẻ, phân tích và truy trách nhiệm ngành LĐ-TB&XH Nghệ An tại kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII, chiều 8/12.

Hỗ trợ người khó khăn: Xét duyệt chặt chẽ nhưng thủ tục phải thông thoáng! - 2

Ông Đoàn Hồng Vũ - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nghệ An: Chưa thể bao trùm hết đối tượng lao động tự do bị ảnh hưởng dịch Covid-19 mà ưu tiên nhóm ngành nghề bị ảnh hưởng sâu nhất, khó khăn nhất (Ảnh: Hoàng Lam).

Đại biểu Phan Minh Lý (huyện Yên Thành) cho rằng, Quyết định 22 của UBND tỉnh Nghệ An về hỗ trợ lao động không có giao kết việc làm, đối tượng đặc thù còn nhiều bất cập, chưa bao quát hết các đối tượng hoặc cùng nhóm nghề nhưng địa điểm làm việc khác nhau thì có người được hưởng hỗ trợ, có người không được hưởng.

"Sắp tới Sở LĐ-TB&XH có phương án nào để đảm bảo công bằng trong chính sách hỗ trợ, có tham mưu điều chỉnh, bổ sung chính sách hiện hành để phù hợp với tình hình, đảm bảo bao quát và công bằng trong hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19?", nữ đại biểu nêu câu hỏi.

Trả lời về vấn đề này, ông Đoàn Hồng Vũ - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Nghệ An cho biết, khi tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định 22, đơn vị đã tham mưu ý kiến của các sở, ngành liên quan cũng như các địa phương. Quyết định 22 quy định 9 nhóm với 36 ngành nghề cụ thể nhưng chưa thể đưa hết đối tượng lao động tự do vào hỗ trợ.

"Thẩm quyền quy định đối tượng hỗ trợ là của tỉnh nhưng tỉnh phải cân đối ngân sách để chi trả hỗ trợ. Qua thống kê, rà soát, chúng tôi dự kiến có 45.000 đối tượng, chi trả 76 tỷ đồng nhưng đến ngày 26/11, đã thẩm định chi trả số tiền hỗ trợ lên tới 115 tỷ đồng, vượt kinh phí dự kiến", ông Vũ thông tin.

Hỗ trợ người khó khăn: Xét duyệt chặt chẽ nhưng thủ tục phải thông thoáng! - 3

Đại biểu Trình Văn Nhã (huyện Thanh Chương) nêu câu hỏi chất vấn lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH (Ảnh: Hoàng Lam).

Trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp, trên cơ sở tiếp thu, cân nhắc các quy định của Trung ương trong Nghị quyết 42/NQ-CP, tỉnh ưu tiên hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng sâu nhất, khó khăn nhất do dịch Covid-19. Dù đã cố gắng nhưng không thể bao trùm hết các đối tượng hỗ trợ, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nghệ An mong các đại biểu và cử tri "hết sức thông cảm" và cho biết sẽ rút kinh nghiệm khi nghiên cứu chính sách trong thời gian tới.

Ông Đoàn Hồng Vũ cũng thẳng thắn thừa nhận, hiện tỉ lệ giải ngân hay xét duyệt hồ sơ đề nghị hỗ trợ ở một số địa phương còn chậm. Nguyên nhân được chỉ ra là do cán bộ hiểu chính sách chưa sâu. "Chúng tôi đi kiểm tra, hỏi thì một số cán bộ, thậm chí lãnh đạo địa phương không nắm được quy định, ảnh hưởng đến việc thực hiện các chính sách hỗ trợ. Bên cạnh đó, có một bộ phận người lao động có tâm lý lựa chọn chính sách", ông Vũ lý giải.

Trong khi kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện tại các địa phương cho thấy một số huyện rất "dễ" trong xét duyệt hồ sơ, một số huyện thực hiện rất chặt chẽ. "Các địa phương xét duyệt đối tượng yêu cầu phải chặt chẽ nhưng thông thoáng về thủ tục để các chính sách hỗ trợ sớm đến với người dân", ông Vũ thông tin.