Nghệ An:
Chưa có đơn vị đề nghị hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động
(Dân trí) - Sau 5 tháng kể từ khi Nghị quyết 68/NQ-CP được ban hành, chưa có doanh nghiệp nào tại Nghệ An đề nghị hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động trên địa bàn.
Báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tỉnh Nghệ An, tính đến ngày 26/11, UBND tỉnh Nghệ An đã cấp kinh phí hỗ trợ cho 72.886 lượt đối tượng, số tiền hơn 107,7 tỷ đồng (trên tổng số 91.184 lượt đối tượng được phê duyệt với số tiền đề nghị hơn 134,7 tỷ đồng).
Riêng chính sách hỗ trợ cho người lao động không có giao kết hợp đồng lao động, đối tượng đặc thù, đến nay đã giải ngân hơn 73 tỷ đồng cho 48.784 người trên tổng số 62.049 người được đề nghị, số tiền hơn 93 tỷ đồng.
Có 7.101 đơn vị với 157.594 lao động được giảm mức đóng vào Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động - Bệnh nghề nghiệp với số tiền hơn 18,4 tỷ đồng trên tổng kinh phí dự kiến 41,7 tỷ đồng. 13 đơn vị (821 lao động) được giải quyết dừng đóng Quỹ Bảo hiểm hưu trí và tử tuất số tiền 5,6 tỷ đồng; 30 doanh nghiệp (2.357 lượt lao động) được vay vốn trả lương, phục hồi sản xuất số tiền hơn 7,2 tỷ đồng.
Liên quan đến chính sách hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), cơ quan Bảo hiểm xã hội tỉnh Nghệ An đã thực hiện giảm mức đóng BHTN cho 6.856 đơn vị, tương ứng 155.135 lao động số tiền hơn 14,4 tỷ đồng; chi trả hỗ trợ hơn 402,5 tỷ đồng cho hơn 169.500 lao động từ kết dư Quỹ BHTN.
Theo đánh giá, các chính sách hỗ trợ nhìn chung được triển khai nhanh chóng, kịp thời, công khai, minh bạch và đúng đối tượng. Tuy nhiên đến thời điểm này, gói chính sách hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động trên địa bản tỉnh Nghệ An chưa được thực hiện.
Theo quy định tại Nghị quyết 68, người sử dụng lao động được hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề từ Quỹ BHTN, mức hỗ trợ tối đa là 1.500.000 đồng/người lao động/tháng và thời gian hỗ trợ tối đa 6 tháng.
Liên quan đến nội dung này, ông Đoàn Hồng Vũ - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Nghệ An cho biết, ngay sau khi Nghị quyết 68 được ban hành, ngày 23/7 và 17/9, Sở đã ban hành 2 công văn hướng dẫn, đôn đốc thực hiện gửi các đơn vị liên quan.
Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam, UBND các huyện, thành phố, thị xã, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp... đã triển khai, chủ động liên hệ các doanh nghiệp, người sử dụng lao động trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, đến nay chưa có doanh nghiệp nào đề nghị hỗ trợ.
Bên cạnh đó, việc thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động theo Nghị quyết 116/BQ-CP của Chính phủ tại các đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo một phần chi thường xuyên chưa thực hiện được .
Liên quan đến chính sách hỗ trợ đối với hộ kinh doanh sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, làm muối và những người bán hàng rong, quà vặt, buôn chuyến, kinh doanh lưu động, kinh doanh thời vụ, làm dịch vụ có thu nhập thấp không phải đăng ký hộ kinh doanh cũng đươc đánh giá là "khó thực hiện".
Theo ông Vũ, hiện nay tỉnh Nghệ An chưa có quy định mức thu nhập thấp đối với hộ không phải đăng kí kinh doanh vì vậy chưa có đủ cơ sở để xác định mức thu nhập đối với nhóm đối tượng này để hỗ trợ.