Hậu quả gì khi DN không đóng bảo hiểm cho người lao động mà "dính" tai nạn?

Hoàng Lam

(Dân trí) - Doanh nghiệp ngoài việc phải bồi thường còn có khả năng bị xử lý hành chính hoặc hình sự khi không đóng bảo hiểm cho công nhân mà người lao động bị tai nạn lao động, tử vong.

Ông Nguyễn Hoàng Tuấn, trú tại Nghệ An có con trai làm việc tại một doanh nghiệp trên địa bàn, là đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc nhưng người sử dụng lao động không đóng bảo hiểm cho con ông. Vừa qua, trong quá trình làm việc, con ông bị tai nạn dẫn đến tử vong. Thời gian làm việc tại doanh nghiệp là 19 tháng.

Ông Tuấn hỏi, trong trường hợp này, chủ sử dụng lao động có trách nhiệm như thế nào về việc chi trả các chế độ BHXH cho con ông?

Hậu quả gì khi DN không đóng bảo hiểm cho người lao động mà dính tai nạn? - 1

Hiện trường vụ tai nạn lao động tại một công trường xây dựng trên địa bàn thành phố Vinh (Nghệ An) khiến 3 người chết, 8 người bị thương vào năm 2021 (Ảnh minh họa: Q.H).

Về vấn đề này, bà Lê Thị Kim Soa - Văn phòng Luật sư Lê Trần (thành phố Vinh, Nghệ An) trả lời như sau:

Theo quy định tại Điều 38, Luật An toàn vệ sinh lao động, người sử dụng lao động có trách nhiệm đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (TNLĐ-BNN), cụ thể:

1. Kịp thời sơ cứu, cấp cứu và tạm ứng chi phí sơ cứu, cấp cứu, điều trị cho người lao động bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp.

2. Thanh toán chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định:

- Phần chi phí đồng chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả đối với người lao động tham gia BHYT.

- Phí khám giám định mức suy giảm khả năng lao động đối với những trường hợp kết luận suy giảm khả năng lao động dưới 5%.

- Toàn bộ chi phí y tế đối với người lao động không tham gia BHYT.

3. Trả đủ tiền lương trong thời gian điều trị, phục hồi chức năng lao động.

4. Bồi thường cho người lao động bị tai nạn lao động mà không hoàn toàn do lỗi của chính người này gây ra:

- Ít nhất bằng 1,5 tháng tiền lương nếu khả năng lao động từ 5% đến 10%; sau đó cứ tăng 1% được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80%.

- Ít nhất 30 tháng tiền lương cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân người lao động bị chết. 

Hậu quả gì khi DN không đóng bảo hiểm cho người lao động mà dính tai nạn? - 2

Luật sư Lê Thị Kim Soa - Văn phòng Luật sư Lê Trần.

5. Trợ cấp cho người lao động bị tai nạn lao động mà do lỗi của chính họ gây ra một khoản tiền ít nhất bằng 40% so với mức quy định khoản 4 Điều này.

6. Giới thiệu để người lao động bị TNLĐ-BNN được giám định y khoa xác định mức độ suy giảm khả năng lao động, được điều trị, điều dưỡng, phục hồi chức năng lao động theo quy định.

7. Thực hiện bồi thường, trợ cấp đối với người bị TNLĐ-BNN trong thời hạn 5 ngày, kể từ ngày có kết luận suy giảm khả năng lao động hoặc biên bản điều tra tai nạn lao động đối với các vụ tai nạn lao động chết người.

8. Sắp xếp công việc phù hợp với sức khỏe sau khi điều trị, phục hồi chức năng nếu còn tiếp tục làm việc.

9. Lập hồ sơ hưởng chế độ về tai nạn lao động, bệnh nghề.

10. Tiền lương để làm cơ sở thực hiện các chế độ bồi thường, trợ cấp, tiền lương trả cho người lao động nghỉ việc do bị TNLĐ-BNN là tiền lương bao gồm mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác thực hiện theo quy định của pháp luật về lao động.

Theo Khoản 4, Điều 39, Luật An toàn vệ sinh lao động, nếu người sử dụng không đóng bảo hiểm TNLĐ-BNN cho người lao động thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc theo quy định của Luật BHXH, thì ngoài việc phải bồi thường, trợ cấp theo quy định tại Điều 38 của Luật này, người sử dụng lao động phải trả khoản tiền tương ứng với chế độ bảo hiểm TNLĐ-BNN khi người lao động bị TNLĐ-BNN.

Việc chi trả có thể thực hiện một lần hoặc hằng tháng theo thỏa thuận của các bên, trường hợp không thống nhất thì thực hiện theo yêu cầu của người lao động.

Hậu quả gì khi DN không đóng bảo hiểm cho người lao động mà dính tai nạn? - 3

BHXH Nghệ An ra quân tuyên truyền chính sách bảo hiểm nhân Tháng vận động triển khai BHXH, BHYT toàn dân (Ảnh: N.Dương).

Như ông Tuấn trình bày, việc công ty không đóng bảo hiểm cho con ông cũng là một trong những hành vi vi phạm pháp luật về đóng BHXH được quy định tại Điều 17 Luật BHXH 2014 (các hành vi bị nghiêm cấm: Trốn đóng BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp; chậm đóng tiền BHXH, bảo hiểm thất nghiệp; chiếm dụng tiền đóng, hưởng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp...".

Với các hành vi này, tùy vào tính chất và mức độ vi phạm, công ty có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự. Theo Nghị định 28/2020/NĐ-CP, công ty có thể bị phạt tiền từ 36-40% trên tổng số tiền phải đóng BHXH đối với hành vi không đóng BHXH cho người lao động, nếu được xác định là trốn đóng BHXH, công ty có thể bị phạt tiền từ 100-140 triệu đồng.

Đối với trường hợp con ông thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc nhưng công ty không mua bảo hiểm, hiện đã tử vong thì công ty phải trả toàn bộ số tiền tương đương với chế độ tai nạn lao động theo Luật BHXH. Ngoài ra công ty phải có trách nhiệm bồi thường ít nhất 30 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động cho thân nhân người tai nạn bị chết nếu lỗi do bên công ty; trường hợp do lỗi của con ông thì thân nhân được trợ cấp một khoản tiền ít nhất bằng 40% với mức do lỗi của công ty.

Nếu công ty không thực hiện đúng quy định đó, gia đình ông có thể trực tiếp hoặc thông qua tổ chức công đoàn cơ sở để yêu cầu giám đốc công ty thực hiện đúng; hoặc có đơn gửi Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội nơi công ty có trụ sở chính yêu cầu cử hòa giải viên để hòa giải tranh chấp.