Người lao động là tài sản quý giá nhất

Thái Bá

(Dân trí) - Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Văn Hồi chia sẻ, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp có thể phòng tránh được nếu làm tốt công tác phòng ngừa.

Thông điệp trên được ông Nguyễn Văn Hồi - Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nêu tại lễ hưởng ứng tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động năm 2022 do Tổng công ty Điện lực miền Bắc tổ chức tại Ninh Bình chiều 13/5.

Người lao động là tài sản quý giá nhất - 1

Cán bộ, công nhân viên ngành điện tham dự lễ hưởng ứng tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động năm 2022 (Ảnh: Thái Bá).

Ông Đinh Văn Bằng, Phó Trưởng Ban an toàn Công ty Điện lực miền Bắc cho biết, trong những năm qua, công tác đảm bảo an toàn lao động và chăm lo đời sống người lao động luôn là nhiệm vụ được Tổng công ty chú trọng thực hiện. Công ty luôn xác định rõ, người lao động là tài sản quý giá nhất.

Hưởng ứng tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động năm 2022 (chủ đề "Tăng cường các biện pháp giảm thiểu rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động, cải thiện điều kiện lao động tại nơi làm việc, thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19), Tổng công ty đã triển khai nhiều giải pháp trong công tác an toàn vệ sinh lao động với chủ đề "Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng văn hóa an toàn trong lao động - tăng cường chuyển đổi số trong quản lý an toàn vệ sinh lao động".

Người lao động là tài sản quý giá nhất - 2

Lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH, Tổng Công ty Điện lực miền Bắc, lãnh đạo tỉnh Ninh Bình... phát động tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động năm 2022 (Ảnh: Thái Bá).

Ông Đinh Văn Bằng cho biết thêm, năm 2021, Tổng công ty và các đơn vị tổ chức huấn luyện theo Nghị định 44 với trên 26.300 người; huấn luyện theo Thông tư số 05 và các quy trình an toàn điện của EVN trên 22.300 lượt người; cấp thẻ an toàn điện là trên 22.300 thẻ. Đồng thời, ngành thực hiện kiểm tra hiện trường công tác, kiểm soát các công việc trên lưới điện hàng tuần thông qua phần mềm quản lý an toàn và gọi điện trực tiếp tới các đơn vị công tác, đơn vị được giao kiểm soát công tác.

Từ đầu năm 2022 đến nay, các cấp trong ngành đã kiểm tra trực tiếp tại hiện trường và kịp thời phát hiện các tồn tại và yêu cầu khắc phục ngay 64 lỗi vi phạm. Công tác khám sức khỏe cho người lao động và thăm hỏi gia đình nạn nhân được Tổng công ty quan tâm và triển khai nhiều giải pháp như khám kiểm tra và phát thuốc tại đơn vị; tổ chức thăm hỏi, tặng quà các gia đình công nhân lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp có hoàn cảnh khó khăn thuộc đơn vị.

Người lao động là tài sản quý giá nhất - 3

Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi phát biểu tại buổi lễ (Ảnh: Thái Bá).

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi cho hay, chăm lo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân và người lao động luôn là chính sách lớn của Đảng và Nhà nước. Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã kịp thời tham mưu trình Chính phủ Quốc hội ban hành nhiều chủ trương chính sách chưa có tiền lệ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động và người dân gặp khó khăn.

Cụ thể, các chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp về 0% cho doanh nghiệp, cùng nhiều chính sách hỗ trợ trực tiếp, gián tiếp về nơi ở, sinh hoạt… cho người lao động đã được triển khai kịp thời, đồng bộ mang lại hiệu quả thiết thực.

Người lao động là tài sản quý giá nhất - 4

Tọa đàm về các giải pháp giảm thiểu tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động (Ảnh: Thái Bá).

"Đến nay, Trung ương và các địa phương đã giành trên 79 nghìn tỷ đồng để thực hiện các chính sách hỗ trợ cho hơn 740 nghìn lượt người sử dụng lao động và trên 48,9 triệu lượt lao động và các đối tượng khác" - Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi nói.

Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương Bình và Xã hội bày tỏ, Tổng Công ty Điện lực miền Bắc là đơn vị đặc thù có vị trí, vai trò quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu điện năng cho sự ổn định về chính trị, phát triển kinh tế xã hội và an ninh quốc phòng.

Để kiểm soát tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp tại Tổng Công ty Điện lực miền Bắc, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi đề nghị lãnh đạo Tổng công ty tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị thành viên tổ chức triển khai đúng, đủ các chính sách quy định theo Luật An toàn, vệ sinh lao động và các văn bản hướng dẫn thi hành về công tác an toàn, vệ sinh lao động để đảm bảo phòng ngừa rủi ro, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng lưu ý, Tổng công ty tiếp tục quan tâm và đầu tư chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo đảm an toàn, sức khỏe, cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động; trang bị các phương tiện bảo vệ cá nhân tiên tiến, hiện đại cho người lao động để phù hợp với khí hậu, thời tiết cũng như đặc thù của ngành điện; đồng thời đẩy mạnh việc ứng dụng công cụ số trong đánh giá, quản lý các nguy cơ, rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động, giảm thiểu các vi phạm an toàn hành lang lưới điện.

"Tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp có thể phòng tránh được nếu chúng ta làm tốt công tác phòng ngừa vì vậy cần đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động phòng ngừa, thúc đẩy công tác an toàn, vệ sinh lao động để trở thành văn hóa an toàn lao động của mỗi cán bộ, công nhân viên, người lao động" - Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi chia sẻ.