Bảo hiểm tai nạn lao động: Không mong nhận nhưng cần thiết đóng
(Dân trí) - "Lúc còn đi làm, tôi cũng không để ý nhiều đến việc đóng bảo hiểm tai nạn lao động. Chỉ đến khi gặp rủi ro, tôi mới hiểu ý nghĩa quan trọng như thế nào", anh Trần Văn Hòa cho hay.
Theo báo cáo của cơ quan Bảo hiểm xã hội tỉnh Nghệ An, trong 4 tháng đầu năm 2022, đơn vị đã giải quyết và chi trả chế độ trợ cấp tai nạn lao động hàng tháng cho 12 lao động với mức hưởng từ 522 nghìn đồng đến hơn 1,7 triệu đồng/người/tháng. Trong đó, có 8 người bị tai nạn lao động tại nơi làm việc, 4 người bị tai nạn trên đường đi, về.
Anh Phan Huy Hoan (SN 1973, trú thành phố Vinh, Nghệ An) là công nhân Công ty Cổ phần 479 Hòa Bình. Trường hợp của anh là một trong 12 người lao động được chi trả trợ cấp hàng tháng nói trên. Trước đó, vào năm 2021, người lao động này cũng được giải quyết hưởng trợ cấp bệnh nghề nghiệp một lần với mức hưởng trên 47,7 triệu đồng.
Ngày 13/8/2021, trong quá trình thi công trên tuyến đường Vân Đồn - Quảng Ninh, dầm cầu lao xuống, anh Hoan bị kéo theo và rơi từ độ cao 8m. Cú ngã trúng chiếc thang sắt phía dưới khiến phần lưng của anh bị vết cắt sâu, gãy xương sườn, gãy tay, chấn thương vùng đầu..., được đưa đến bệnh viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch.
Sau thời gian dài điều trị tích cực, anh Hoan được ra viện, tiếp tục theo dõi, tập phục hồi. Kết quả giám định cho thấy anh bị thương tật 51% từ vụ tai nạn kể trên.
"Tính đến thời điểm bị tai nạn lao động, tôi tham gia bảo hiểm 351 tháng, tiền lương tính hưởng trợ cấp là 6.200.000 đồng/tháng. Sau khi hoàn tất các thủ tục, tôi được phía bảo hiểm chi trả trợ cấp 1.475.000 đồng/tháng, bắt đầu từ tháng 12/2021", anh Phan Huy Hoan cho biết.
Ngày 30/4/2021 là một ngày đáng quên của anh Trần Văn Hòa (SN 1987, trú huyện Hưng Nguyên, Nghệ An, công nhân Công ty CP cơ khí xây dựng Vinh Phát STEEL) khi bị ngã từ tầng 2 xuống đất trong quá trình làm việc. Anh Hòa bị chấn thương nặng ở đầu và cột sống, điều trị tại bệnh viện ròng rã suốt 3 tháng trời.
Di chứng của vụ tai nạn nặng nề khiến anh Hòa mất khả năng lao động, mọi sinh hoạt đều phải nhờ vào sự trợ giúp của vợ, đồng nghĩa khoản thu nhập chính của gia đình cũng không còn. Vợ anh trở thành lao động chính nhưng chỉ có thể kiếm công việc tạm thời để có thời gian chăm sóc chồng, trong khi hai con còn nhỏ khiến cuộc sống chật vật, khó khăn hơn.
Với tỷ lệ thương tật 71% do tai nạn lao động sau 83 tháng đóng bảo hiểm, anh Hòa được chi trả trợ cấp hàng tháng 1.715.000 đồng, bắt đầu từ ngày 1/10/2021. Đối với cá nhân anh Hòa và gia đình thì số tiền này có ý nghĩa hết sức quan trọng, bởi đây là khoản thu nhập thường xuyên, duy nhất lúc này.
"Lúc đi làm nói đóng bảo hiểm thì tôi đóng nhưng cũng không để ý lắm cho đến khi gặp rủi ro mới biết nó thực sự quan trọng như thế nào", anh Hòa cho hay.
May mắn hơn anh Hòa là anh Hoan vẫn có thể quay lại công trường làm việc sau khi sức khỏe đã phục hồi, dù không được như trước kia. "Thực ra khi tham gia bảo hiểm tai nạn, tôi không mong muốn được nhận khoản trợ cấp này nhưng sự việc không may đã xảy ra dù mình hết sức chú ý đến vấn đề an toàn trong lao động. Hai năm nữa tôi đủ tuổi nghỉ hưu, lương hưu cộng với khoản trợ cấp hàng tháng từ bảo hiểm tai nạn cũng suýt soát mức lương đóng bảo hiểm hiện tại thì cuộc sống cũng không bị ảnh hưởng gì nhiều", anh Hoan cho hay.
Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và xã hội tỉnh Nghệ An, trong năm 2021, trên địa bàn tỉnh này xảy ra 17 vụ tai nạn lao động làm 28 người bị nạn khiến 8 người chết, 8 người bị thương nặng và 12 người bị thương nhẹ. Cũng trong năm 2021 có hơn 120 lượt người được duyệt chế độ trợ cấp tai nạn lao động.