Đắk Lắk:
Bảo hiểm tai nạn lao động: "Bà đỡ" của nhiều người lao động
(Dân trí) - Không may bị thương tích trong quá trình làm việc, nhiều người lao động đã được cơ quan chức năng chi trả chế độ bảo hiểm tai nạn lao động kịp thời, qua đó giúp hỗ trợ thêm trong quá trình điều trị.
Cần tận dụng... quyền lợi chính đáng
Sau 2 năm kể từ ngày bị tai nạn lao động trong quá trình bốc xếp hàng cho doanh nghiệp, ông Phạm Xuân Kháng (63 tuổi, ngụ TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) vẫn chưa quên được vụ tai nạn không may.
Ông làm nghề bốc xếp hàng cho một doanh nghiệp trên địa bàn TP Buôn Ma Thuột được gần 15 năm và được đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) đầy đủ. Trong một lần làm việc, ông không may bị té ngã khiến gãy xương vai với tỷ lệ thương tích 25%.
"Nhờ doanh nghiệp đóng bảo hiểm xã hội chu đáo nên khi bị tai nạn, tôi đã được trợ cấp tiền bảo hiểm tai nạn lao động trên 38 triệu đồng. Số tiền này cũng hỗ trợ tôi không nhỏ trong suốt quá trình tôi điều trị, phục hồi sức khỏe. Tai nạn là điều không ai mong muốn nhưng người lao động khi nhận được hỗ trợ cũng cảm thấy rất ấm lòng", ông Kháng chia sẻ.
Theo báo cáo của BHXH Đắk Lắk, trong 4 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn có 5 trường hợp được nhận trợ cấp bảo hiểm tai nạn lao động (TNLĐ) (trong đó, 2 trường hợp hưởng trợ cấp hàng tháng và 3 trường hợp nhận trợ cấp một lần). Riêng trong năm 2021, tại Đắk Lắk có 16 trường hợp được nhận trợ cấp bảo hiểm TNLĐ (trong đó, hưởng trợ cấp một lần có 12 trường hợp).
Một cán bộ phòng Chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH Đắk Lắk) cho biết đối với người lao động bị tai nạn trong quá trình làm việc sẽ được BHXH chi trả trợ cấp bảo hiểm tai nạn lao động sau 5 ngày, khi có đầy đủ hồ sơ theo quy định.
Cũng theo vị cán bộ này, có không ít trường hợp người lao động bị thiệt thòi quyền lợi khi bị tai nạn nhưng lại không được chi trả BHTN vì chủ sử dụng lao động chây ì việc đóng bảo hiểm hoặc không chịu đóng cho lao động.
"Điển hình trường hợp của một công nhân làm việc tại một công ty cà phê trên địa bàn Đắk Lắk có ký hợp đồng lao động với đơn vị này. Tuy nhiên, khi người này bị tai nạn lao động nặng, lại không thuộc đối tượng được chi trả BHTN. Lý do, phía công ty đóng BHXH chậm trễ và sau thời điểm bị tai nạn mới đóng bảo hiểm. Việc này đã khiến người lao động bị mất quyền lợi chính đáng", vị này cho hay.
Sẽ xử lý doanh nghiệp "né" tham gia BHXH
Ông Tạ Đức Hậu - Phó Giám đốc BHXH tỉnh Đắk Lắk - cho biết, để quản lý việc tham gia BHXH cho người lao động làm việc tại đơn vị, doanh nghiệp, BHXH tỉnh liên thông với cơ sở dữ liệu bên thuế và Sở Kế hoạch đầu tư. Hàng tháng, BHXH sẽ xuống trực tiếp những cơ sở, doanh nghiệp mới đăng ký hoạt động để khai thác số người tham gia BHXH.
Cũng theo ông Hậu, nếu đơn vị sử dụng lao động cố tình không tham gia đóng BHXH cho người lao động. Khi không may xảy tai nạn, người lao động sẽ rất thiệt thòi.
"Để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, mỗi năm, BHXH tỉnh tiến hành kiểm tra ít nhất 50% số đơn vị trên địa bàn về tình hình lao động, quỹ tiền lương. Trong đó, phát hiện nhiều đơn vị tham gia BHXH nhưng tham gia không đúng với mức tiền lương của lao động thực nhận hoặc chỉ tham gia bảo hiểm cho số ít người lao động.
Qua đó, BHXH sẽ yêu cầu các đơn vị tham gia đầy đủ, nếu không sẽ tổ chức đoàn thanh tra liên ngành phối hợp cùng Sở LĐ-TB&XH xuống làm việc. Đơn vị sẽ tiến hành tuyên truyền và áp dụng chế tài xử lý với những doanh nghiệp cố tình không thực hiện theo quy định", ông Hậu nhấn mạnh.
Được biết, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk hiện có khoảng 5.100 đơn vị, doanh nghiệp (kể cả đơn vị hành chính sự nghiệp) đang tham gia BHXH cho lao động.