DMagazine

Hành trình vượt Trường Sơn "trốn" lửa đạn 80 năm trước từ bên kia biên giới

(Dân trí) - Hơn 80 năm trước, người Lào Thưng phải vượt dãy Trường Sơn đến thôn Phú Lâm (Hà Tĩnh) lánh nạn chiến tranh. Hiện cộng đồng người đến từ bên kia biên giới này không còn săn thú, biết "trả nợ rừng".

Thôn Phú Lâm, xã Phú Gia, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) lọt thỏm giữa dãy núi Trường Sơn, được bao bọc bởi dòng suối Khe Trồ. Nơi đây có 61 hộ dân tộc Lào Thưng sinh sống. Cuộc sống của những người con mang hai dòng máu Việt - Lào ngày càng đổi mới.

Mỗi dịp Xuân đến, họ đều ngồi với nhau, ôn lại câu chuyện vượt núi của ông cha mình gần một thế kỷ trước.

Nơi lánh nạn thành quê hương

Trong căn nhà khang trang, ông Lê Văn Hòe (tên Lào là Nai Hòe, 58 tuổi) - Trưởng bản Lào Thưng hồ hởi nói: "Người Lào Thưng giờ khác rồi. Ai cũng biết làm ăn, chăm chỉ với ruộng vườn, chăn nuôi".

Ông Hòe cho hay, dân tộc Lào Thưng có nguồn gốc từ đất nước "Triệu Voi". Bố của ông là Lê Văn Hiếu (Nai Hiếu, đã mất), ở Thà Phải Bản, huyện Na Kai, tỉnh Khăm Muộn, Lào.

Hành trình vượt Trường Sơn trốn lửa đạn 80 năm trước từ bên kia biên giới - 1

Bản Lào Thưng lọt thỏm giữa dãy núi Trường Sơn.

Những năm 1940, chiến tranh loạn lạc, nhiều gia đình của bộ tộc phải sơ tán, vượt dãy Trường Sơn sang trú ẩn ở khu vực biên giới Việt Nam. Khi tình hình tạm ổn, nhiều người mới quay về bản quán sinh sống.

Riêng vợ chồng ông Nai Mèo và bà Nai Sinh (ông bà nội của ông Nai Hòe) quyết định ở lại, an cư lạc nghiệp vì nhận thấy nơi đây có khí hậu ôn hòa, sản vật trù phú. Từ đây, tình yêu của họ cho ra "quả ngọt", lần lượt 5 thế hệ được sinh ra.

"Tôi là thế hệ thứ 3. Sau khi lấy vợ, tôi có 4 người con trai và 4 cháu. Tôi luôn kể cho con cháu nghe về cội nguồn của mình. Một năm, tôi gùi thức ăn, nước uống đi qua Lào vài lần để thăm anh em, họ hàng", ông Nai Hòe kể. 

Hành trình vượt Trường Sơn trốn lửa đạn 80 năm trước từ bên kia biên giới - 3

Thiếu tá Nguyễn Phan Quang - Đồn trưởng Đồn Biên phòng Phú Gia thăm hỏi gia đình cụ bà Phan Thị Liên.

Nhìn thấy khách lạ cùng các cán bộ, chiến sĩ biên phòng đến trò chuyện, bà Phan Thị Liên cũng tiến lại góp vui. Xuân này bà Liên bước sang tuổi 80.

Bà chia sẻ: "Tôi là chị em con cô con cậu với ông Hòe. Vợ chồng tôi có 6 người con, 2 gái, 4 trai và 10 cháu, chắt. Giờ tôi có tuổi rồi nên không thể leo núi, vượt rừng về thăm anh em, bà con bên Lào được. Dù luôn nhớ cội nguồn nhưng từ lâu, chúng tôi đã là công dân, là người con của Việt Nam, cùng xây dựng và phát triển đất nước".

Dứt cảnh phá rừng, biết cách làm ăn

Ông Hòe nhớ lại, trước đây, tại bản Phú Lâm, gia đình nào cũng bị nghèo đói, lạc hậu bủa vây. Nhà lại đông con nên ít người được biết chữ.

Những đứa trẻ thường theo cha vào rừng sâu đào củ mài, củ sắn, chặt gỗ mang về xuôi bán lấy tiền mua gạo. Thú rừng họ cũng săn bắt mang về cải thiện bữa ăn. Người dân còn nghĩ rừng là của tự nhiên nên mạnh ai người nấy chặt phá. Hơn nữa, cánh đầu nậu, lâm tặc biết người dân bản thông thạo đường rừng nên thường dụ dỗ, thuê họ đi chặt phá rừng.

Nhưng đó đã là chuyện của hàng chục năm về trước.

Hành trình vượt Trường Sơn trốn lửa đạn 80 năm trước từ bên kia biên giới - 5

Quân y Đồn Biên phòng Phú Gia thăm khám, chữa bệnh cho người dân.

Ông Hòe kể, giờ dân bản Lào Thưng ý thức được chặt phá rừng là sai trái, làm cạn kiệt tài nguyên. Để trả nợ rừng, nhiều người dân tự nguyện làm đơn xin nhận, chăm sóc hàng trăm héc ta rừng phòng hộ, trong đó có ông Hòe.

"Nhằm giúp bà con ổn định cuộc sống, Nhà nước quan tâm chia đất rừng sản xuất, cấp ruộng, cho vay vốn. Nhà nào nghèo được hỗ trợ cây giống, con giống, dụng cụ sản xuất. Mỗi khi chúng tôi cần sửa sang nhà cửa hoặc việc lớn nào, lực lượng biên phòng luôn sẵn sàng giúp đỡ. Từ đó, bà con biết chịu khó làm ăn", ông Hòe nói.

Trước Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, gia đình Trưởng bản Nai Hòe có 200 gốc cam, 100 gốc bưởi để bán. Trừ chi phí, ông Hòe thu về hơn 100 triệu đồng. Ngoài 20 trâu bò, ông còn nuôi cả chục con lợn rừng để bán Tết này. Nhiều hộ khác trong bản cũng giống gia đình ông Hòe, chăn nuôi, trồng cây ăn quả mang lại thu nhập cao. Làm ăn khấm khá, nhiều hộ có tiền xây nhà đẹp, sắm sửa tiện nghi, mua được cả ô tô,…

Một trong số đó có gia đình vợ chồng chị Lê Thị Anh (47 tuổi) và anh Ngô Văn Thuận (49 tuổi). "Năm nay, bán cây ăn quả, gia đình tôi có thu nhập gần 100 triệu đồng. Chúng tôi cảm ơn chính quyền quan tâm, các cán bộ Đồn Biên phòng Phú Gia luôn sát cánh. Tất cả đã luôn chăm lo để bà con có điện, có đường đẹp, có đất sản xuất, có trạm quân y để được chữa bệnh và cấp phát thuốc khi cần", chị Anh cảm kích.

Tìm con chữ, giữ văn hóa

Không những đời sống đổi thay, người dân bản Lào Thưng còn ý thức được việc bồi dưỡng thế hệ sau bằng cách cho con cháu học chữ. Điểm trường tiểu học Phú Lâm (thuộc trường tiểu học Phú Gia) nằm ngay trung tâm bản là nơi theo học của 44 học sinh ở 5 khối lớp. Điểm trường này có 3 thầy cô, có giáo viên cắm bản, cũng có giáo viên hàng ngày vượt 20km đến gieo chữ cho các em.

"Dù còn khó khăn nhưng chúng tôi hạnh phúc khi trực tiếp chứng kiến cuộc sống của bà con và các cháu nơi đây thay đổi từng ngày. Nay, các cháu có đồng phục mới đến trường. Phụ huynh thì ý thức được việc đội mũ bảo hiểm cho con. Vừa rồi, điểm trường được tài trợ máy chiếu và màn hình tivi giúp chúng tôi linh hoạt áp dụng giáo án, cách dạy trực quan, đa dạng. Khi thấy hình ảnh thôn bản mình và phong cảnh đất nước Việt Nam được trình chiếu, các em rất thích thú", thầy Trần Đình Chung - giáo viên điểm trường, chia sẻ.

Hành trình vượt Trường Sơn trốn lửa đạn 80 năm trước từ bên kia biên giới - 7

Lớp học ghép đôi của những đứa trẻ bản Phú Lâm.

Gần đây, các em còn được dạy tiếng mẹ đẻ vào cuối buổi học thứ 6 hàng tuần. Người đứng lớp là ông Nai Hòe hoặc các cụ lớn tuổi. Đây là những người hiếm hoi ở bản còn nói được tiếng Lào Thưng.

"Đồn Biên phòng Phú Gia và các thầy cô đã giúp đỡ chúng tôi khôi phục bản ngữ bằng việc dạy tiếng Lào Thưng cho thế hệ trẻ, đặc biệt là các cháu tiểu học. Nhờ đó, tôi có bộ giáo trình dạy học bằng máy chiếu. Tiếng Lào Thưng được phiên âm sang tiếng Việt để các cháu dễ đọc, nhớ lâu", ông Hòe kể.

Việc được quan tâm về giáo dục không những giúp thế hệ trẻ nhớ về nguồn cội mà còn giúp giảm khoảng cách về trình độ, văn hóa với vùng xuôi.

"Bản chúng tôi có 5 cháu được bố mẹ đầu tư cho đi học đại học, có cháu đã tốt nghiệp và làm kế toán ở thành phố. Người lớn làm ăn đi lên, trẻ nhỏ được học hành đàng hoàng. Phú Lâm giờ đạt chuẩn nông thôn mới rồi", Trưởng bản Phú Lâm nói.

Cầu nối tình hữu nghị Việt - Lào

Thiếu tá Nguyễn Phan Quang -  Đồn trưởng Đồn Biên phòng Phú Gia cho biết, ngoài nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền, đơn vị còn có nhiệm vụ giữ gìn an ninh khu vực biên giới và chăm lo, giúp đỡ người dân nơi địa bàn đóng quân là bản dân tộc Lào Thưng.

Hành trình vượt Trường Sơn trốn lửa đạn 80 năm trước từ bên kia biên giới - 9

Ngoài giúp bà con phát triển kinh tế, chiến sĩ Đồn Biên phòng Phú Gia còn nhận đỡ đầu một số em học sinh.

Các cán bộ, chiến sĩ biên phòng đã tuyên truyền, vận động, hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, nhận 4 cháu làm con đỡ đầu. Đồn cũng bố trí một đội công tác địa bàn làm nhiệm vụ vận động, gần dân, giúp dân chăn nuôi, sản xuất để thay đổi đời sống. Giờ đây, nhiều hộ đã thoát nghèo, trở thành hộ làm kinh tế giỏi, có thu nhập trên dưới 100 triệu đồng/năm như gia đình trưởng bản hoặc hộ các ông Ngô Văn Thuận, Lê Văn Hóa, Lê Khắc Bằng…

"Nhận thấy người thông thạo tiếng Lào dần mai một, chúng tôi cũng phối hợp với trường đại học Hà Tĩnh giúp cộng đồng khôi phục bản ngữ. Hiện nay, đơn vị đang kết hợp với UBND huyện Hương Khê giúp đồng bào dân tộc Lào Thưng bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc kết hợp với mô hình du lịch văn hóa. Hiện tại và tương lai, người Lào Thưng không chỉ làm kinh tế giỏi, tham gia bảo vệ chủ quyền biên giới mà còn là cầu nối quan trọng trong việc vun đắp tình đoàn kết, hữu nghị Việt - Lào", Thiếu tá Quang nói.

Dương Nguyên