Hà Tĩnh: Vì sao chỉ có 344/5.669 lao động được đóng BHXH?
(Dân trí) - Qua thanh tra 25 doanh nghiệp, BHXH tỉnh Hà Tĩnh phát hiện chỉ có 344/5.669 người được đóng BHXH, BHYT và BHTN, chiếm 6% so với tổng số lao động được quyết toán thuế thu nhập cá nhân năm 2020.
Bảo hiểm xã hội (BHXH) Hà Tĩnh vừa thực hiện thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH bắt buộc, Bảo hiểm y tế (BHYT), Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) tại 25 doanh nghiệp trong tỉnh Hà Tĩnh, gồm: 20 doanh nghiệp đóng tại địa bàn thành phố Hà Tĩnh và 5 doanh nghiệp tại địa bàn huyện Vũ Quang.
Đây là các doanh nghiệp có số lao động tham gia BHXH, BHYT, BHTN nhỏ hơn so với số lao động kê khai quyết toán thuế thu nhập cá nhân năm 2019 và năm 2020.
Theo kết quả thanh tra, tổng số lao động của 25 doanh nghiệp trên theo quyết toán thuế thu nhập cá nhân là 5.669 người. Nhưng số lao động thuộc diện tham gia BHXH, BHYT, BHTN của các doanh nghiệp trên chỉ là 344 người, gồm: Số lao động đã tham gia BHXH, BHYT, BHTN là 307 người; số lao động chưa tham gia phát hiện qua thanh tra là 37 người.
Như vậy, số lao động thực tế thuộc diện phải tham gia BHXH, BHYT, BHTN của 25 doanh nghiệp trên chỉ chiếm 6% (344/5.669 người) so với tổng số lao động tại quyết toán thuế thu nhập cá nhân năm 2020.
Theo tìm hiểu ban đầu, nguyên nhân chủ yếu của sự chênh lệch lớn là do các doanh nghiệp thường sử dụng lao động phổ thông và ký hợp đồng lao động thời vụ dưới 1 tháng hoặc thuê khoán theo từng công trình nhưng vẫn được các doanh nghiệp đưa vào kê khai để tính chi phí nhân công.
Số lao động được các doanh nghiệp đăng ký đóng BHXH, BHYT, BHTN chủ yếu là lao động quản lý, gián tiếp.
Trong khi đó, hầu hết số lao động trực tiếp đều được các doanh nghiệp cho "né" luật để không đóng BHXH bằng cách: Ký kết hợp đồng thuê khoán hoặc mùa vụ dưới 1 tháng; lập bảng thanh toán tiền lương, tiền công phản ánh chỉ làm việc dưới 15 ngày công/tháng...
Ngoài ra, một số lao động mặc dù vẫn có quan hệ lao động, việc làm thường xuyên nhưng đã thỏa thuận với chủ doanh nghiệp để hợp lý hóa hồ sơ, chứng từ như đã nói ở trên nhằm trốn tránh việc đóng BHXH bắt buộc.
Bên cạnh những khó khăn khách quan do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, những tồn tại chủ quan của các doanh nghiệp qua thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH sẽ ảnh hưởng lớn đến công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH bắt buộc tại địa bàn Hà Tĩnh.
Trước tình hình trên, BHXH tỉnh Hà Tĩnh đã đặt ra các giải pháp: Ngay sau khi tình hình dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát và lắng xuống, các lực lượng liên quan cần kịp thời triển khai, thực hiện có hiệu quả quy trình rà soát, khai thác đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN.
Để làm việc này, BHXH tỉnh cần căn cứ vào danh sách quyết toán thuế thu nhập cá nhân năm 2020 do cơ quan thuế chuyển đến để trực tiếp các đơn vị rà soát, xác định và yêu cầu làm thủ tục tham gia BHXH, BHYT, BHTN, đối với những trường hợp thuộc diện bắt buộc tham gia.
Bên cạnh đó, BHXH tỉnh sẽ tăng cường triển khai việc cài đặt VssID để đôn đốc, nhắc nhở các đơn vị làm thủ tục đóng BHXH, BHYT, BHTN đối với những lao động chưa tham gia. Lập danh sách chuyển phòng thanh tra - kiểm tra thành lập đoàn thanh tra chuyên ngành về đóng tại các đơn vị không chấp hành hoặc chấp hành không đầy đủ việc đăng ký tham gia BHXH, BHYT, BHTN cho những lao động bắt buộc tham gia.
Đồng thời, công tác thanh tra cần đẩy mạnh tại các doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm về đóng BHXH, BHYT, BHTN; lập biên bản vi phạm hành chính và trình cấp có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với những trường hợp vi phạm về đóng BHXH, BHYT, BHTN.
Trong năm 2021, BHXH Hà Tĩnh sẽ xem xét chuyển hồ sơ của một số đơn vị có dấu hiệu vi phạm trốn đóng BHXH cho cơ quan công an để đề nghị điều tra, xử lý trách nhiệm hình sự theo Điều 216 của Bộ Luật hình sự.