Hà Nội: Mảnh đời cuối cùng còn sót lại ở trại phong Đá Bạc
(Dân trí) - Trại phong Đá Bạc (Sóc Sơn, Hà Nội) từng là nơi điều trị của hàng trăm bệnh nhân, nay là khu nhà hoang vắng. Nơi đây chỉ còn lại duy nhất bà Nguyễn Thị Sợi, người sống với những ký ức năm xưa.
Vào đây tôi được sống
Nằm sâu bên trong địa bàn xã Minh Phú (Sóc Sơn, Hà Nội) được dẫn vào bằng con đường đất đỏ ngoằn ngoèo, trại phong Đá Bạc từng là nơi chữa trị của hàng trăm bệnh nhân phong từ những năm 1950.
Trước đây, trại từng có tới hơn 100 bệnh nhân. Vào năm 2013, chính quyền TP Hà Nội quyết định di dời trại đi nơi khác nhằm đảm bảo tốt hơn các điều kiện sinh sống cho bệnh nhân.
Nhưng tuỳ theo điều kiện cá nhân, nhiều người đã chuyển tới trại mới, một số người lại trở về sống với gia đình... Chỉ có 10 người xin ở lại vì đã gắn bó với nơi này quá lâu.
Năm tháng trôi qua, một nửa số người xin ở lại trại phong Đá Bạc đã qua đời, vài người tiếp tục được con cháu đón về chăm nom lúc tuổi già.
Giờ đây, trại phong chỉ còn lại bà Nguyễn Thị Sợi (quê ở Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) ở lại trong những căn phòng dột nát, tiêu điều. Bà Nguyễn Thị Sợi năm nay 77 tuổi, nhưng đã có 55 năm sống ở đây.
Bà Nguyễn Thị Sợi tâm sự: “Năm 17 tuổi tôi chết lặng khi biết mắc căn bệnh phong vô phương cứu chữa này. Hồi ấy, ở quê tôi cứ ai mắc căn bệnh này đều bị người dân sợ và xa lánh...”.
Ngày ấy, bà Nguyễn Thị Sợi phải ngủ dưới bếp, ăn riêng bát đũa. Bà nén chịu những cơn đau nhức, đi làm ruộng như những người bình thường để che giấu căn bệnh quái ác.
Thế rồi dần dần những ngón chân, ngón tay bà cứ phồng rộp lên teo đi, dân làng cũng biết chuyện, người ta gọi bà là “Hủi”. Bà Nguyễn Thị Sợi quyết định xin đến trại phong Đá Bạc để nương nhờ từ năm 22 tuổi.
“Có lẽ tôi chẳng được sống đến tận bây giờ nếu không có trại phong này. May mắn vì vào đây tôi được sống chan hoà với nhiều người cùng cảnh” - bà Nguyễn Thị Sợi chia sẻ.
Từ ngày đến đây, chưa một lần bà trở về quê hương vì chẳng còn người thân nào nữa. Bà cũng không ra ngoài để gặp ai, chỉ có những người cùng cảnh ngộ làm bạn.
"Nhiều lúc tôi nghĩ cũng buồn tủi lắm, lúc mới bị đêm nào tôi cũng nằm khóc. Rồi bố nuôi tôi cũng khóc nhưng biết làm thế nào khi số phận như vậy. Bây giờ xã hội bớt kỳ thị, chúng tôi cũng nguôi ngoai nhiều rồi" - bà Nguyễn Thị Sợi tâm sự.
Mảnh đời cuối cùng
Từ khi vào đây, bà Nguyễn Thị Sợi được sống, được chăm sóc và có nhiều người để bầu bạn. Thế nhưng đến cuối đời bà lại chấp nhận sự cô độc ấy một lần nữa.
Một mình bà Nguyễn Thị Sợi ở lại sống côi cút ở trại phong bỏ hoang giữa núi đồi. Bà quyết định không chuyển đến trại phong khác.
Lý giải về việc lựa chọn ở lại sống nơi đây, bà nói: “Tôi sống ở đây đã hơn 50 năm rồi, nó như quê hương, gia đình tôi vậy. Với lại còn ở lại hương khói cho những người bạn, những bệnh nhân từng ở trại phong đã chết, được chôn cất trên ngọn đồi. Tôi đi rồi họ ở lại lạnh lẽo, cả năm chẳng ai thắp cho nén nhang”.
Từng người, từng người được con cháu đón về vì xã hội cũng không còn xa lánh những bệnh nhân như trước nữa.
"Năm 2019, bà Văn Thị Thực với bà Lê Thị Liên vẫn còn sống với tôi ở đây. Nhưng sau đó, các bà đã được con cháu đón về ở vì nhà ở đây dột lắm" - Bà Nguyễn Thị Sợi chia sẻ.
Từ khi mọi người chuyển đi, bà sống biệt lập với xã hội. Bà Nguyễn Thị Sợi tận dụng mảnh vườn hoang trong trại nuôi gà và trồng rau để làm thực phẩm sống qua ngày. Mỗi tháng, bà Nguyễn Thị Sợi được nhận trợ cấp 700.000 đồng từ nhà nước.
“Muốn mua thực phẩm, tôi phải đi bộ 3km. Nhưng rất khó khăn vì chân tay đau nhức đường sỏi đá đi một đoạn là ngã. Nên thôi cứ tự cung, tự cấp” - bà Nguyễn Thị Sợi nói.
Cùng xin ở lại ngày ấy có ông Nguyễn Văn Đón và bà Vương Thị Tống. Hai ông bà đều quê ở Minh Phú, Sóc Sơn. Mặc dù đã được các con đón về nhưng họ vẫn thường xuyên về đây để tâm sự, bầu bạn. Với họ, trại phong Đá Bạc đã thực sự là một ngôi nhà.
Sự phát triển của y học hiện đại đã chữa trị khỏi căn bệnh quái ác này. Chỉ còn di chứng và những cơn đau nhức bám theo họ suốt cả cuộc đời. Bà Nguyễn Thị Sợi cho hay, ở đây cụ nào cũng thọ trên 80 tuổi, không có ai chết vì bệnh hiểm nghèo bao giờ.
Ông Nguyễn Văn Đón chia sẻ: “Mấy năm trước tôi cũng dựng được 1 căn nhà cấp 4, cách đây không xa. Ngày nào tôi cũng đạp xe vào đây để gặp những người bạn mà chúng tôi đã gắn bó với nhau gần hết cuộc đời”.
Hàng ngày, những mảnh đời bất hạnh tuổi xế chiều kể lại cho nhau nghe về quá khứ và những chuyện vui buồn. Bên cạnh bà Nguyễn Thị Sợi còn có 4 chú chó làm bạn, được bà đặt cho những cái tên đặc biệt như thằng cu, cái gái,…
Sống một mình giữa núi rừng bạt ngàn, ngoài những người bạn cùng cảnh thành tri kỷ chẳng mấy khi Bà Nguyễn Thị Sợi được gặp người lạ. Cần nhu yếu phẩm gì thì nhờ con dâu bà Vương Thị Tống mua hộ rồi đem lên.
"Mỗi lần lĩnh trợ cấp hay đóng tiền điện, mua đồng mắm, đồng muối tôi đều nhắn bà Tống nhờ con dâu bà mua hộ. Rồi bà Tống đem nhu yếu phẩm qua đây cho tôi. Có khi đến cả tháng tôi cũng chẳng gặp người lạ" - bà Nguyễn Thị Sợi tâm sự.
Nhiều năm qua, cuộc sống của bà Nguyễn Thị Sợi vẫn buồn tẻ như thế. Những vết thương của bệnh phong cũng dần ổn định, không còn lở loét nhưng mỗi khi trái gió trở trời toàn thân lại đau nhức.