1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Quảng Bình:

Gõ cửa từng nhà để chi trả hỗ trợ theo Nghị quyết 68 tới người lao động

Tiến Thành

(Dân trí) - Để kịp thời hỗ trợ lao động tự do theo Nghị quyết 68 trong thời điểm giãn cách xã hội, nhiều địa phương tại Quảng Bình đã cử cán bộ gõ cửa từng nhà dân để chi trả tiền.

Đến từng nhà

Trong 2 ngày qua, chị Bùi Thị Ngọc Lưu cùng nhiều cán bộ của phường Đức Ninh Đông, TP Đồng Hới (Quảng Bình) đã đến từng ngõ ngách của phường, gõ cửa từng nhà dân để thực hiện chi trả tiền hỗ trợ theo Nghị quyết số 68 của Chính phủ (NQ 68).

Công việc chị Bùi Thị Ngọc Lưu và các cán bộ đang triển khai chính là bước cụ thể hóa công tác chi trả hỗ trợ do phường Đức Ninh Đông nói riêng, TP Đồng Hới nói chung cũng như nhiều địa phương khác tại Quảng Bình, trong bối cảnh thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.

Gõ cửa từng nhà để chi trả hỗ trợ theo Nghị quyết 68 tới người lao động - 1

Cán bộ phường Đức Ninh Đông (bên phải) đến tận nhà chi trả hỗ kịp thời theo NQ 68 cho lao động tự do.

"Ngay khi được cấp kinh phí, lãnh đạo phường đã tiến hành họp và lên phương án làm sao chi trả kịp thời nhất đến người lao động. Bởi lẽ họ cũng đang rất khó khăn và mong ngóng hỗ trợ. Phường chúng tôi đã thành lập tổ công tác gồm 4 người, trực tiếp đến từng nhà để trao tiền hỗ trợ", chị Bùi Thị Ngọc Lưu, cán bộ Văn hóa - Xã hội phường Đức Ninh Đông chia sẻ.

Theo chị Bùi Thị Ngọc Lưu, trong đợt chi trả này, phường Đức Ninh Đông có 288 lao động tự do được hỗ trợ với tổng số tiền 432 triệu đồng. Công tác chi trả đều được thực hiện tận nhà người dân và tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch Covid-19.

Huyện Bố Trạch là địa phương có số lượng lao động tự do nằm trong diện được hỗ trợ đứng thứ 2 tại Quảng Bình. Nhiều xã, thị trấn tại huyện này đã khắc phục những khó khăn trong thời điểm giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 để chi trả hỗ trợ kịp thời đến các lao động tự do.

Gõ cửa từng nhà để chi trả hỗ trợ theo Nghị quyết 68 tới người lao động - 2

Niềm vui của các lao động tự do khi được chi trả hỗ trợ theo NQ 68.

Trong đợt này, toàn huyện Bố Trạch có trên 3.500 lao động được hỗ trợ với tổng số tiền hơn 5 tỷ đồng. Để đảm bảo các quy định phòng, chống dịch Covid-19, các địa phương tại huyện Bố Trạch cũng đã thực hiện chi trả hỗ trợ tận nhà của lao động. 

"Đến 14/9, UBND xã đã hoàn thành việc chi trả cho các lao động tự do chịu ảnh hưởng bởi Covid-19 theo NQ 68 cũng như quyết định của UBND tỉnh Quảng Bình. Để đảm bảo phòng, chống dịch. UBND xã đã cử cán bộ chính sách đến tận nhà để chi trả tiền cho người dân. Trong đợt này, đã có 60 lao động tự do tại địa phương đã được hỗ trợ", ông Cao Thế Vĩnh, Chủ tịch UBND xã Xuân Trạch cho hay.

Nhận hỗ trợ đúng lúc 

Với các lao động tự do tại Quảng Bình, số tiền được chi trả theo NQ 68 và Quyết định của tỉnh này mang lại cho họ nhiều niềm vui. Đặc biệt, niềm vui càng lớn hơn khi lao động tự do được chi trả giữa lúc đang chật vật với khó khăn trong những ngày giãn cách xã hội.

Chị Nguyễn Thị Hương, trú thôn 9, xã Xuân Trạch, huyện Bố Trạch là một lao động tự do vừa được nhận hỗ trợ số tiền 1,5 triệu đồng. Số tiền này dù chưa phải là lớn, tuy nhiên trong hoàn cảnh hiện tại của chị Nguyễn Thị Hương lại vô cùng quan trọng.

Gõ cửa từng nhà để chi trả hỗ trợ theo Nghị quyết 68 tới người lao động - 3

Lao động tự do tại Quảng Bình đón nhận hỗ trợ trong thời điểm giãn cách xã hội với nhiều khó khăn.

Chị Nguyễn Thị Hương thuộc diện hộ nghèo, ba mất sớm, còn mẹ và em gái là người khuyết tật. Trước đó chị xin làm việc cho một quán ăn tại TP Đồng Hới.

Thế nhưng do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, công việc không còn nên chị Nguyễn Thị Hương phải về quê. Vì đang phải thực hiện giãn cách xã hội nên suốt cả tháng nay, chị Nguyễn Thị Hương cũng chẳng thể đi làm thuê để kiếm tiền trang trải cuộc sống.

"Gia đình tôi khó khăn, bản thân đi làm thuê cũng chỉ mong có được tháng vài ba triệu để nuôi mẹ với em. Thế nhưng giờ dịch thế này có muốn đi làm cũng không được. Hôm qua được cán bộ xã đến tận nhà trao tiền hỗ trợ tôi mừng lắm, thời điểm này 1,5 triệu rất quý, thực sự trong nhà chẳng còn đồng nào cả", chị Nguyễn Thị Hương chia sẻ.

Cũng như chị Nguyễn Thị Hương, bà Bùi Thị Tâm (SN 1975), trú tại phường Đức Ninh Đông cũng là một trong những lao động tự do chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Chồng mất sớm, bà còn 3 con đang đi học. Thường ngày, người phụ nữ này mưu sinh bằng nghề bán chè, nước giải khát ở đường Lê Lợi, TP Đồng Hới. 

Gõ cửa từng nhà để chi trả hỗ trợ theo Nghị quyết 68 tới người lao động - 4

Các địa phương tại Quảng Bình vẫn đang tiếp tục rà soát, lên danh sách các lao động tự do chịu ảnh hưởng bởi Covid-19 để trình UBND tỉnh này phê duyệt.

Từ ngày dịch bùng phát, thành phố thực hiện giãn cách xã hội, bà Bùi Thị Tâm cũng mất đi kế sinh nhai. Nhiều tháng nay phải ở nhà, bà vô cùng nóng ruột bởi không có thu nhập, 3 con lại chuẩn bị vào năm học mới, bao nhiêu khoản phải lo.

"Với những lao động tự do như chúng tôi, ngừng việc là mất thu nhập, do vậy cuộc sống hết sức vất vả. Sự hỗ trợ này không chỉ giảm bớt khó khăn trong thời điểm giãn cách xã hội mà qua đó còn thấy rõ được sự quan tâm, hỗ trợ từ Chính phủ. Sự quan tâm này là niềm vui, khích lệ tinh thần lớn đối với chúng tôi để khắc phục những khó khăn hiện tại", bà Bùi Thị Tâm nói.

Trong niềm vui được nhận hỗ trợ từ NQ 68, các lao động tự do tại Quảng Bình đều bày tỏ mong muốn dịch bệnh sớm được kiểm soát để các hoạt động kinh tế xã hội trở lại bình thường, các lao động có thể trở lại làm việc, ổn định cuộc sống.

Liên quan đến công tác chi trả hỗ trợ cho các lao động tự do tại Quảng Bình, theo Sở LĐ-TB&XH tỉnh này, đến nay, UBND tỉnh đã phê duyệt danh sách và kinh phí để hỗ trợ cho hơn 15.000 người với tổng số tiền trên 22 tỷ đồng. Kinh phí hỗ trợ đã được phân bổ về các địa phương để tiến hành chi trả đến tận tay người lao động.

Hiện các địa phương tại Quảng Bình cũng đang tiếp tục rà soát, lên danh sách các lao động tự do chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 để trình UBND tỉnh phê duyệt, chi trả kịp thời.