Giọt nước mắt trong ngày đặc biệt của học sinh mồ côi vì Covid-19
(Dân trí) - Ngoài nỗi nhớ người thân, cha, mẹ mất trong đại dịch Covid-19, các học sinh cũng chia sẻ niềm vui, nỗi buồn khi phải tự bươn chải cuộc sống. Nghe chia sẻ của học trò, nhiều thầy cô đã rơi nước mắt.
Một chiều tháng 6, 10 học sinh lớp 12 tại Trường Tiểu học, THCS và THPT Hy Vọng (Hope School), đóng tại quận Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) đã làm lễ trưởng thành khi hoàn tất chương trình phổ thông. Đây là mái nhà chung của gần 300 em nhỏ mồ côi trong đại dịch Covid-19, các em đến từ nhiều tỉnh, thành khác nhau.
Trước khi nhận bằng và khăn của lễ trưởng thành, các học sinh cùng nhau ôn lại những kỷ niệm trong 3 năm ở trường. Ngoài nỗi nhớ người thân, những lá thư gửi cha, mẹ ở thế giới bên kia, các học sinh cũng lần đầu chia sẻ về niềm vui, nỗi buồn mình đã trải qua.
Học tại trường Hy Vọng được 2 năm nay, Huỳnh Tấn Quốc chia sẻ từng không muốn vào đây vì "chưa bao giờ đi xa gia đình", nhưng rồi Quốc nghĩ nếu mình cứ sống một cuộc sống "an toàn" như vậy thì không bao giờ tiến xa hơn được, nên Quốc quyết định ra Đà Nẵng.
Hai ngày đầu, Quốc chịu không nổi và liên tục gọi điện cho mẹ rồi bật khóc "mẹ ơi con muốn về nhà". Lúc này, chính những lời động viên, chăm sóc của thầy cô tại trường đã giúp cậu học trò vượt qua chuỗi ngày chới với, dần tìm thấy niềm vui ở mái nhà chung Hy Vọng.
"Em biết ơn thầy cô và tất cả mọi người ở đây, tuy không cùng máu mủ nhưng những gì thầy cô làm cho em rất to lớn. Có những khi em khóc, em sốt, thầy cô chính là người đã chăm sóc em, những việc đó trước đây chỉ có mẹ em làm", Quốc nói rồi không kìm được nước mắt mà khóc nghẹn.
Mồ côi cha trong dịch Covid-19, Lê Thị Thu Thảo từng có chuỗi ngày đau buồn, cuộc sống gia đình khó khăn khi kinh tế phụ thuộc vào mẹ, đến mức từng có ý định bán nhà. Nhưng rồi cuộc sống Thảo tươi sáng hơn khi được vào trường Hy Vọng, ở đây Thảo có bạn, có thầy cô giúp đỡ và cho em một cuộc sống đầy hy vọng.
Nhắc đến mẹ, Huỳnh Thị Nhã Trân chia sẻ khó có thể chấp nhận được sự thật mẹ mất. Đêm nào Trân cũng khóc, ba vào thì Trân giả vờ ngủ. Trân cũng chưa bao giờ nghĩ sẽ được như ngày hôm nay nếu như không có ngôi trường Hy Vọng.
"Ngay bây giờ em có thể nói với tất cả mọi người là em đã thật sự thay đổi, đã không còn là cô gái nhỏ quậy phá, làm cho mẹ con buồn lòng nữa. Mẹ ơi!, con yêu mẹ nhiều lắm", Trân bật khóc nức nhở.
Điều làm mọi người rơi nước mắt khi nhìn thấy em Đoàn Hoàng Bảo Trâm (18 tuổi) đến dự lễ trưởng thành trên xe lăn, đang phải chiến đấu với căn bệnh hiểm nghèo. Trâm nhận được rất nhiều lời động viên từ bạn bè, thầy cô để em mạnh mẽ vượt qua căn bệnh quái ác, tiếp tục thực hiện ước mơ dang dở của mình.
Nghe chia sẻ tận đáy lòng của học trò, nhiều thầy cô không giấu được cảm xúc, bật khóc.
Từ chỗ chới với vì mất người thân, gia đình tan tác do dịch bệnh, tưởng chừng sóng gió từ đó vây quanh cuộc đời các em. Không ai nghĩ có một nơi chào đón, nuôi dạy, đồng hành cùng các em cho tới hôm nay. Những đôi tay nắm chặt, cùng các em đi qua một hành trình dài đến khi các em trưởng thành.
Bà Trương Thanh Thanh, Chủ tịch Quỹ Hy Vọng - Hội đồng sáng lập Trường Hy Vọng, trao những chiếc khăn rằn miền Tây cho các học sinh rồi ôm động viên những "người con".
Để tri ân người sáng lập Trường Hy Vọng, 10 học sinh lớp 12 cùng nhau vẽ bức tranh "trưởng thành cùng hy vọng" tặng nhà trường. Đây là những khoảnh khắc mà các em đã cùng nhau trải qua và những lời tâm tình gửi đến bản thân trong tương lai.
"Điều em hạnh phúc nhất là được sống trong môi trường của tình yêu thương. Chính thầy cô, bạn bè đã giúp em không còn sống khép mình mà ngày một vui tươi, trưởng thành hơn", em Mai Thị Thúy Anh chia sẻ.