Giảm thời gian đóng BHXH, lao động dễ dàng tiếp cận với quyền lợi
(Dân trí) - Rút ngắn thời gian đóng BHXH sẽ giảm tình trạng rút BHXH 1 lần đang tăng nhanh và là cơ hội giúp lao động cao tuổi, có số năm tham gia BHXH thấp được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi hưu trí.
Tiếp cận dễ dàng hơn
Anh Nguyễn Trọng Hùng, trú tại Tân Triều (Thanh Trì, Hà Nội), từng làm công nhân cho một công ty lắp ráp linh kiện điện tử từ năm 2010-2016. Sau khi đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) được 5 năm, anh nghỉ việc và bảo lưu thời gian đóng BHXH.
Đầu năm 2019, anh Nguyễn Trọng Hùng tiếp tục đi làm công nhân cơ khí và đóng BHXH. Sau khi biết thông tin về việc đề xuất rút ngắn số năm đóng BHXH tối thiểu 20 năm để hưởng lương hưu xuống còn 15 năm, hướng tới 10 năm, anh rất phấn khởi.
Anh Nguyễn Trọng Hùng chia sẻ: "Theo quy định của pháp luật, hiện nay, tôi phải đóng BHXH 12 năm nữa mới đủ số năm đóng tối thiểu để có thể được nhận lương hưu. Tôi không nghĩ sẽ đủ sức khỏe để làm công nhân đến 12 năm nữa, nếu giảm thời gian đóng BHXH xuống còn 15 hay 10 năm thì tôi sẽ cố gắng".
Đang tỏ ra tiếc nuối khi đã nhận BHXH một lần sau 13 năm đóng BHXH, anh Lê Văn Liêm trú tại Phú Xuyên (Hà Nội) chia sẻ: "Lúc đó tôi nghĩ, việc phải đóng BHXH thêm 7 năm nữa mới có thể được nhận lương hưu là quá dài. Nếu như có chính sách đóng BHXH 15 năm thì tôi sẽ cố gắng đóng thêm 2 năm nữa để nhận lương hưu thay vì nhận BHXH 1 lần".
Anh Lê Văn Liêm từng làm việc cho một công ty vận tải, sau đó nghỉ việc để làm lao động tự do.
Với chị Hà Diệp Linh trú tại Thanh Xuân (Hà Nội), bắt đầu tham gia đóng BHXH ở tuổi 43. Theo quy định hiện hành, để có thể nhận lương hưu, chị sẽ phải đóng bảo hiểm đến năm 65 tuổi.
Theo quy định của pháp luật, đến 55 tuổi, chị Hà Diệp Linh sẽ phải nghỉ hưu. Như vậy, chị sẽ phải tiếp tục đóng BHXH thêm 8 năm nữa để có thể nhận được lương hưu.
"Nếu phải đóng thêm thời gian lâu như vậy, tôi đang hướng tới việc sẽ rút BHXH 1 lần. Chủ trương giảm số năm đóng BHXH xuống còn 10 năm để đủ điều kiện hưởng lương hưu thực sự là một chính sách phù hợp, nhất là với người lao động tham gia đóng BHXH muộn như chúng tôi" - chị Hà Diệp Linh chia sẻ.
Giải pháp hữu hiệu
Mới đây, Bộ Lao động, Thương binh và xã hội (LĐ-TB&XH) đã xây dựng Tờ trình đề nghị xây dựng dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Theo đó, dự thảo có nhiều nội dung nhằm tạo điều kiện cho người dân tham gia BHXH tự nguyện hay ban hành các quy định sát với thực tế hơn.
Trong dự thảo sửa đổi lần này, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, hướng tới còn 10 năm.
Mức hưởng được tính toán phù hợp nhằm tạo điều kiện cho người lao động cao tuổi, có số năm tham gia BHXH thấp được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi BHXH.
Nhiều chuyên gia và người lao động đánh giá đề xuất giảm thời gian đóng BHXH tối thiểu để đủ điều kiện hưởng lương hưu là chính sách tốt.
Trao đổi về vấn đề này, ông Phạm Minh Huân, Nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, đề xuất trên thực chất là để xử lý tình huống đối với những người lao động đủ tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đủ số năm đóng BHXH.
Đồng thời, mục tiêu cơ bản của chính sách BHXH vẫn là phải khuyến khích người lao động đóng tích lũy nhiều năm để sau này có thể hưởng lương hưu với mức cao hơn.
Ông Phạm Minh Huân cho biết: "Trên thực tế, có rất nhiều lao động tham gia đóng BHXH khi tuổi đã lớn. Đóng 10 năm, 12 năm, lao động đã phải về hưu khiến họ đành phải rút BHXH một lần. Như vậy, nếu chi trả BHXH một lần thì không đúng mục tiêu của lương hưu là bảo đảm cho người nghỉ hưu hàng tháng có một khoản để chi trả cuộc sống".
Cũng theo Nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, việc rút ngắn thời gian đóng BHXH xuống còn 15 năm, hướng tới 10 năm là giải pháp hữu hiệu để giảm tình trạng rút BHXH một lần đang tăng nhanh như hiện nay và sẽ là cơ hội tốt để tạo điều kiện cho người lao động cao tuổi, có số năm tham gia bảo hiểm xã hội thấp được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi BHXH.
Tuy nhiên, ông Phạm Minh Huân ủng hộ quan điểm cần khuyến khích người lao động đóng từ 20-35 năm để có thể hưởng lương hưu ở mức tối đa bởi nguyên tắc đóng BHXH hưởng lương hưu là nguyên tắc đóng - hưởng.