Giám đốc "bỏ nhà" đi giao tro cốt nạn nhân Covid-19 mong sớm thất nghiệp

Xuân Hinh

(Dân trí) - "Mình xin vợ đi vài ngày thôi, ai ngờ bị cuốn theo công việc và đi luôn 2 tháng khiến vợ giận. Cảm xúc của các gia đình khi nhận tro cốt người thân là động lực để lao vào việc", anh Tiến tâm sự.

Không nhớ hết đã đưa bao người đi hỏa táng

Giám đốc bỏ nhà đi giao tro cốt nạn nhân Covid-19 mong sớm thất nghiệp - 1

2 tháng anh Tiến tạm xa vợ con để làm tình nguyện viên đưa các nạn nhân tử vong vì Covid-19 đi hỏa táng, đưa tro cốt về gia đình (Ảnh Nhân vật cung cấp).

"Anh có về không, khi nào anh về, mẹ con em nhớ anh"... là những tin nhắn gần như 2 tháng qua, ngày nào vợ anh Lê Thượng Tiến (ngụ tại Quận 8, TPHCM) cũng nhắn cho chồng. Tuy vậy, do bận lái xe đưa tro cốt các nạn nhân tử vong vì Covid-19 nên có khi anh Tiến không kịp trả lời vợ.

"Mình đi lâu quá nên vợ giận luôn. Ban đầu mình chỉ nghĩ đi vài ngày thôi, ai ngờ bị công việc cuốn theo nên không dừng được. Cứ nghĩ đến cảnh gia đình các nạn nhân đang ngóng đợi tro cốt của người thân, mình lại cố chạy thật nhanh, thật nhiều chuyến", anh Tiến chia sẻ.

Do phải xa chồng quá lâu nên vợ anh đôi khi rất khó chịu, thậm chí đòi "từ mặt". Bản thân lúc nào cũng nghĩ đến vợ con nhưng anh muốn làm một điều gì tốt đẹp cho xã hội. Dẫu biết đóng góp của mình nhỏ bé nhưng anh luôn cố gắng và tin rằng vợ con sẽ hiểu.

Giám đốc bỏ nhà đi giao tro cốt nạn nhân Covid-19 mong sớm thất nghiệp - 2

Mỗi khi vợ đòi "từ mặt", anh Tiến lại sắp xếp về thăm nhà nhưng vẫn giữ khoảng cách an toàn, chỉ ngồi ở hành lang ngắm con (Ảnh Nhân vật cung cấp).

"Ban ngày đi giao tro cốt rồi tối mình về công ty ngủ. Một số ngày xong việc sớm thì mình cố gắng chạy về nhà để vợ an tâm. Mình cũng chỉ dám đứng từ xa để nhìn vợ con thôi, không dám đến gần. Con mình mới hơn 2 tuổi nhưng có vẻ cũng cảm nhận được công việc mình đang làm nên không đòi theo ba nữa", anh Tiến tâm sự.

Anh Tiến cho biết, từ khi TPHCM bùng phát dịch, anh đã bắt đầu đi làm thiện nguyện. Anh cũng đã gom hết gần 300 triệu đồng tiền tiết kiệm của hai vợ chồng đi mua nhu yếu phẩm cho người nghèo và thiết bị y tế tặng các bệnh viện dã chiến. Khi biết sự việc, vợ anh giận nhưng khi thấy nhiều hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ, chị cũng đã đồng cảm.

"Khi tiêu hết số tiền gần 300 triệu của gia đình để mua thực phẩm cho người dân, mình thấy việc này thực sự như muối bỏ biển, không thấm vào đâu. Mình muốn hỗ trợ nhiều thêm nữa nhưng không thể. Từ đó, mình chuyển qua dùng xe để chở các nạn nhân mất vì Covid-19 đi hỏa táng, đi trao tro cốt", anh Tiến nói.

Giám đốc bỏ nhà đi giao tro cốt nạn nhân Covid-19 mong sớm thất nghiệp - 3

Trước khi làm tình nguyện viên giao tro cốt, anh Tiến đã lấy hết tiền tiết kiệm gần 300 triệu đồng để mua nhu yếu phẩm tặng người nghèo và các bệnh viện dã chiến (Ảnh Nhân vật cung cấp).

Trong 2 tháng qua, anh Tiến không nhớ hết đã đưa bao nhiêu nạn nhân đến nhà tang lễ Bình Hưng Hòa. Anh cũng chẳng nhớ nổi đã đưa bao nhiêu tro cốt các nạn nhân về với gia đình.

"Cứ sáng mở mắt ra là lên đường, trưa cũng chỉ nghỉ vội, ăn tạm gì rồi chạy tiếp. Ngày ít thì chạy 2 chuyến đưa các nạn nhân đi hỏa táng, ngày nhiều thì 4, 5 chuyến, mỗi chuyến có 7 nạn nhân, số lượng tro cốt thì mỗi ngày cũng 50 - 70 hũ", anh Tiến nhớ lại.

Trao 4 hũ tro cốt người thân của một đồng nghiệp

Giám đốc bỏ nhà đi giao tro cốt nạn nhân Covid-19 mong sớm thất nghiệp - 4

Mỗi lần đưa tro cốt cho gia đình các nạn nhân đều khiến anh Tiến xúc động nhưng lần đưa 4 hũ tro cốt cho gia đình bạn đồng nghiệp khiến anh không thể quên (Ảnh Nhân vật cung cấp).

Anh Tiến cho biết, anh làm truyền thông trong lĩnh vực xe tại TPHCM. Trong đợt đưa các nạn nhân tử vong đi hỏa táng vào tháng 8, vô tình anh đưa đúng người thân của bạn mình. Chuyện bất ngờ đó khiến anh cảm giác đau xót, không nghĩ lại có sự trùng hợp như vậy.

"Gia đình bạn đó có 4 người mất vì Covid-19, mình là người trực tiếp đưa đi hỏa táng và đưa tro cốt về cho bạn mình. Cảm xúc thực sự không thể diễn tả được bằng lời. Mình cảm nhận nỗi đau đó của bạn như chính nỗi đau của mình. Hình ảnh bạn đó gục xuống khi nhận tro cốt của người thân chắc mình sẽ không quên được", anh Tiến chia sẻ.

Trong quá trình đi trao tro cốt, anh Tiến nhận thấy nhiều nạn nhân không có thông tin của người thân. Được sự cho phép của Ban Chỉ huy quân sự Quận 8, TPHCM, anh đã đưa thông tin các nạn nhân lên mạng xã hội và đây thực sự là một việc làm hiệu quả.

"Nhiều người thông qua facebook của mình đã biết thông tin của người thân, nhờ vậy việc trao tro cốt cho họ nhanh hơn. Cảm xúc của họ cứ phải chờ đợi từng ngày để biết tin về người thân nhưng không thấy thật sự rất khắc khoải, đến khi có thông tin thì lại là tin buồn, nhiều người đã gục ngã", anh Tiến kể lại.

Giám đốc bỏ nhà đi giao tro cốt nạn nhân Covid-19 mong sớm thất nghiệp - 5

Anh Tiến mong trong cuộc đời anh chỉ làm công việc tình nguyện viên trao tro cốt này một lần (Ảnh Nhân vật cung cấp).

Trong một lần đi đưa tro cốt một nạn nhân ở Hậu Giang, anh Tiến cũng gặp khó vì giãn cách. Tưởng chừng như anh phải quay trở lại TPHCM, nhưng sau gần một ngày chờ đợi, anh cũng hoàn thành nhiệm vụ.

"Do giãn cách nên mình không thể vào Hậu Giang mà phải dừng ở Cần Thơ. Lực lượng trực chốt yêu cầu mình phải quay về TPHCM nhưng lương tâm không cho phép. Gia đình chú này đã chờ đợi hơn 2 tháng để nhận tro cốt của chú, nếu phải đợi thêm thì họ sẽ đau xót thêm. Ơn trời, cuối cùng con gái chú cũng xin được giấy để sang Cần Thơ nhận tro cốt cha", anh Tiến kể lại.

Anh Tiến cho biết, ước mong lớn nhất của anh bây giờ là anh và các nhóm phụ trách đưa tro cốt được "thất nghiệp" để trong đời anh chỉ làm công việc một lần này thôi. Gần đây, số lượng tro cốt đã giảm rất nhiều và anh hy vọng công việc này sẽ sớm kết thúc để anh có thể về với vợ con, để cả thành phố được sống những ngày bình thường mới.