Tin nhắn cuối cùng của người mẹ mắc Covid-19: "Chị gửi cháu lại cho dì"

Hoài Nam

(Dân trí) - Mẹ qua đời vì Covid-19, cậu học trò chuyển đến ở nhà dì. Gần 2 tháng nay, người dì lo lắng khi cháu nhốt mình trong phòng, không nói chuyện, không tiếp xúc...

"Học hành gì nữa hả cô?"

Chia sẻ tới một chương trình tư vấn tâm lý online mùa dịch, chị N.D, ở Quận 10, TPHCM kể, gia đình đang rơi vào chuỗi ngày đau đớn, khủng hoảng. Người chị họ vô cùng thân thiết của chị D. qua đời vì Covid-19. Trước khi mất, chị chỉ kịp nhắn: "Chị gửi cu T. lại cho dì". Vì một vài lý do cá nhân, người mẹ biết con trai không thể sống với bố.  

Tin nhắn cuối cùng của người mẹ mắc Covid-19: Chị gửi cháu lại cho dì - 1

Trẻ mồ côi bố mẹ vì Covid-19 phải đối diện với cú sốc tâm lý lớn (Ảnh: Nguyễn Quang).

Chị D. đón cháu về nhà gần 2 tháng nay nhưng không ngờ, từ một cậu bé năng động, vui nhộn, giờ cháu ủ rũ, không hé nửa lời, chỉ giam mình trong phòng, rất hiếm khi ra ngoài. Đêm khuya, khi cả nhà đã đi ngủ, cháu mới ra tìm đồ ăn, đi tắm, người trông xơ xác, hốc hác. 

Người dì muốn tiếp cận, trò chuyện, hỏi ý kiến của T. đều bị cháu chặn ngay ở cửa. Chị nhắn tin, cậu cũng chỉ nhận được hồi đáp là một tiếng "dạ" hoặc là im lặng. 

"Cháu tham gia học online nhưng buổi được buổi mất. Cô giáo gọi điện hỏi han, cháu nói: "Học hành gì nữa hả cô?", chị N.D kể.

"Dịch bệnh Covid dẫn đến những cách ly, mất mát rất nguy hiểm với trẻ. Đây có thể là những sang chấn lớn với các em và hệ quả có thể còn nặng nề hơn trong tương lai. 

Điều này có thể dẫn đến sự lo lắng, bất an, trầm cảm, nhiều em bế tắc, có thể có nguy cơ tự tử nếu không được hỗ trợ kịp thời" - TS Phạm Phương Thảo, Phó Chủ nhiệm Bộ môn Giáo dục Sức khỏe Tâm lý y học, ĐH Y Dược TPHCM cảnh báo.

Chị cho biết, bản thân và mẹ T. có nhiều ân tình, chị không lăn tăn việc nuôi cháu. Nhưng thật sự, gia đình rối bời không biết phải làm thế nào trong tình cảnh này. Chị lo mình có thể gây tổn thương thêm cho con trẻ hoặc có chuyện gì không hay với cháu... thì có lỗi với mẹ T. vô cùng. 

Hiệu trưởng một trường THPT ở Quận 5, TPHCM kể, nhà trường cũng từng tiếp nhận một số thông tin từ người thân của học trò mồ côi bố mẹ vì Covid-19. Lúc này, chưa ai bàn đến vấn đề tài chính, nhưng người chăm sóc các em gặp áp lực rất lớn trước cú sốc tâm lý của trẻ. 

Có trường hợp, bố mẹ ly hôn, em học trò sống với mẹ từ bé. Điều khủng khiếp xảy ra khi mẹ em qua đời vì Covid-19.  Thời gian qua, em sống cùng với gia đình người bà con. 

Khi nhà trường kết nối với người chăm sóc em thì người này thật tình kể, người mẹ để lại tài sản, chuyện nuôi cháu, gia đình không phải bận tâm về kinh tế nhưng rất hoang mang, lo lắng. Biết cháu bất ổn sau cú sốc nhưng người lớn cũng lúng túng, không biết làm cách nào hỗ trợ.  

"Giáo viên, bạn bè muốn liên lạc với em cũng rất khó. Em từ chối không trả lời, giao tiếp. Trẻ mất bố mẹ, người thân vì Covid-19 bị ảnh hưởng tâm lý rất lớn, cần đặc biệt lưu tâm", vị hiệu trưởng bày tỏ. 

"Còn mẹ con còn tất cả/Mẹ đi rồi tất cả cũng đi theo"

"Còn mẹ con còn tất cả - Mẹ đi rồi tất cả cũng đi theo" là dòng chữ trắng được in nổi bật trên ảnh bìa màu đen của group kín của những trẻ mồ côi làm bất cứ ai cũng quặn lòng. Không có một lời nào có thể nói hết được sự đau đớn, mất mát của những đứa trẻ mất cha, mất mẹ. 

Tại Hội nghị Tổng kết Công tác chăm lo cho các bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, ông Dương Trí Dũng, Phó GĐ Sở GD&ĐT TPHCM, nơi có trên 1.500 học sinh phổ thông mồ côi vì Covid-19, bày tỏ, trẻ mồ côi bị "gãy" mất trục quan trọng hàng đầu trong cuộc đời là bố mẹ nên sẽ gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, học tập. 

Tin nhắn cuối cùng của người mẹ mắc Covid-19: Chị gửi cháu lại cho dì - 2

Anh Nguyễn Vĩnh Nghi, ở Quận 3, TPHCM lo lắng cho tương lai của hai cháu ruột vừa mất bố vì Covid-19 (Ảnh: Biên Thùy).

Có những em có thể vượt qua khó khăn ban đầu để thích nghi trở lại với cuộc sống nhưng cũng sẽ có những em cần thêm sự quan tâm lâu dài. Không phải chỉ một chiếc máy tính trao đến là các em có thể vượt qua khó khăn, tiếp tục học. 

Về phía trường học, theo ông Dương Trí Dũng, cần quan tâm một cách có chiều sâu, bền vững với học trò mồ côi. Với những học trò chịu tổn thương về tâm lý, tổ tâm lý từ cơ sở cần có sự hỗ trợ kịp thời. Nhà trường cần nắm nguyện vọng thực tế, khó khăn cụ thể của từng học sinh để có sự chăm sóc, hỗ trợ đúng mức, kịp thời. 

Lúc này, hơn ai hết, người thân, họ hàng chính là điểm tựa quan trọng nhất để "tái tạo" một gia đình mới cho trẻ. Cho dù đưa ra bao nhiêu phương án, các chuyên gia đều nhấn mạnh việc ưu tiên để người thân tiếp tục nuôi dưỡng các em.

Nhưng thực tế, người giám hộ cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn về kinh tế, điều kiện, môi trường sống hoặc khó khăn về kiến thức, kỹ năng chăm sóc trẻ bị tổn thương, mất mát. Cùng với các em, người nuôi dưỡng cũng rất cần được hỗ trợ để có thể trở thành gia đình mới của trẻ. 

Xuyên suốt tinh thần hành động "trẻ mồ côi vì dịch Covid-19 cần gia đình thứ hai", mới đây, Bộ LĐ-TB&XH có văn bản yêu cầu địa phương ưu tiên bố trí, hỗ trợ để trẻ em được chăm sóc ở môi trường thay thế bởi người thân, cá nhân, gia đình nhận chăm sóc để trẻ em được sống trong môi trường gia đình và bảo đảm lợi ích tốt nhất cho trẻ. 

Cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực này cũng chỉ đạo, các địa phương cần lắng nghe nguyện vọng của trẻ em và người giám hộ của trẻ em để có biện pháp trợ giúp kịp thời, phù hợp.