Quảng Nam:
Giải pháp chặn rút BHXH một lần, đôn đốc thu nợ đọng BHXH
(Dân trí) - Theo BHXH tỉnh Quảng Nam, năm 2022, gần 14.500 người rút BHXH một lần; 9 tháng đầu năm 2023, gần 15.000 người rút BHXH một lần, tăng 42% so với cùng kỳ 9 tháng năm 2022.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam, cho hay nguyên nhân của tình trạng rút BHXH một lần tăng là do đa số người lao động có thu nhập không cao, khả năng tích lũy tài chính không nhiều.
Đặc biệt, do ảnh hưởng sau dịch Covid-19 dẫn đến khi mất việc làm, người lao động phải đối mặt với các nhu cầu tài chính trước mắt rất lớn, hầu hết lao động trẻ có tâm lý chỉ quan tâm đến nhu cầu trước mắt hơn là nhu cầu hưởng lương hưu khi về già.
Bên cạnh đó, tình hình sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, đặc biệt trong giai đoạn từ năm 2020 đến nay, dẫn đến nhiều doanh nghiệp ngừng hoạt động, thu hẹp quy mô sản xuất, kinh doanh, cắt giảm lao động, tình trạng lao động thiếu việc làm, không có việc làm, mất việc làm gia tăng số người hưởng BHXH một lần.
Để hạn chế tình trạng rút BHXH một lần, tháng 9 vừa qua, UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành công văn về việc tăng cường tuyên truyền hạn chế tình trạng người lao động nhận BHXH một lần.
Qua đó, tỉnh chỉ đạo các Sở, ban, ngành và các cơ quan liên quan đẩy mạnh truyền thông bằng nhiều hình thức, phương pháp phù hợp để người lao động nhận thức rõ hơn về ý nghĩa, lợi ích của chính sách BHXH, BHYT, BHTN trong việc ổn định đời sống, nhất là trong giai đoạn hiện nay.
"Tỉnh chỉ đạo các Sở, ngành liên quan hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, phát triển thị trường lao động nhằm duy trì việc làm cho người lao động; tăng cường chỉ đạo, phát huy hiệu quả các chính sách nhằm giải quyết các khó khăn về tài chính trước mắt của người lao động như chính sách hỗ trợ vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, các ngân hàng thương mại", Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam nói.
Tình trạng nợ BHXH của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đang rất cao. Tính đến ngày 30/10, tổng số nợ BHXH, BHTN, BHYT, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp trên 454 tỷ đồng, trong đó BHXH trên 348 tỷ đồng; BHTN trên 18 tỷ đồng; BHYT trên 83 tỷ đồng và tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp gần 5 tỷ đồng.
Thực hiện các giải pháp, biện pháp thu hồi tiền chậm đóng, trốn đóng BHXH, BHYT, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động trên địa bàn, Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam cho hay, UBND tỉnh đã chỉ đạo BHXH tỉnh thực hiện nghiêm quy trình đôn đốc thu, thu hồi nợ theo quy định của BHXH Việt Nam và pháp luật hiện hành.
Ngoài ra, làm việc trực tiếp với các đơn vị, doanh nghiệp nợ BHXH để tìm ra các nguyên nhân; đề xuất, kiến nghị với UBND tỉnh, BHXH Việt Nam các giải pháp phù hợp đối với từng đối tượng, đơn vị. Đồng thời, chuyển hồ sơ, tài liệu đối với những đơn vị có hành vi trốn đóng, gian lận BHXH đến cơ quan Công an theo quy định.
Trao đổi với phóng viên, Thượng tá Hà Thế Xuyên - Trưởng Phòng cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Quảng Nam - cho biết giữa cơ quan BHXH và Công an tỉnh có quy chế phối hợp, nếu có khó khăn vướng mắc gì, BHXH sẽ có văn bản trao đổi, nhờ hỗ trợ phối hợp đốc thúc thu nợ đọng bảo hiểm.
Theo Thượng tá Hà Thế Xuyên, năm 2020, thu được hơn 29 tỷ đồng; năm 2021, thu hơn 3 tỷ đồng. Năm nay, đã kiểm tra 10 doanh nghiệp, lập đoàn kiểm tra thu nợ BHXH, đang trình UBND tỉnh ra quyết định xử phạt và thu nợ BHXH.
"Tùy theo hoàn cảnh, tùy theo từng doanh nghiệp, cơ quan điều tra cũng rất cân nhắc để xem xét xử lý và phân tích cho các doanh nghiệp. Khi họ hiểu thì tham gia đóng BHXH rất nghiêm túc. Do đó, số tiền thu trong các lần phối hợp với BHXH tỉnh thu nợ các doanh nghiệp với số tiền lớn, hiệu quả cao", Thượng tá Hà Thế Xuyên nói.