Hải Phòng
Gặp khó thời Covid-19, giáo viên mầm non mong sớm nhận được hỗ trợ
(Dân trí) - Thất nghiệp vì dịch Covid-19, nhiều giáo viên mầm non tư thục ở Hải Phòng buộc phải làm công việc tạm thời để có tiền trang trải cuộc sống. Và đương nhiên, họ rất mong chờ gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng.
Sống bấp bênh vì không có thu nhập
Do ảnh hưởng của dịch bệnh, từ tháng 5/2021, TP Hải Phòng đã quyết định cho khối trường mầm non dừng hoạt động.
Một số giáo viên lựa chọn làm đồ ăn, uống rồi đăng bán trên các trang mạng xã hội. Số khác lựa chọn các công việc làm thuê như shipper, nhận đồ thủ công làm tại nhà,…
Theo chị Ngọc Tân, giáo viên Trường Mầm non Ong Vàng (quận Lê Chân, Hải Phòng), từ đầu tháng 5, do dịch bệnh bùng phát trở lại nên các trường mầm non phải đóng cửa, bản thân cô cũng như nhiều đồng nghiệp rơi vào cảnh thất nghiệp.
"Do làm việc tại trường mầm non tư thục nên khi tạm nghỉ việc tôi không có hỗ trợ, gánh nặng kinh tế vì thế dồn hết lên vai chồng tôi. Đôi khi còn phải nhờ sự trợ giúp của bố mẹ vì lương chồng tôi vào thời điểm khó khăn này cũng bị giảm bớt" - chị Ngọc Tân.
Cũng theo giáo viên này, mặc dù đồng lương tháng ít ỏi nhưng tằn tiện cũng đủ các chi phí ăn, uống rồi điện, nước cho gia đình. Nay không có nguồn thu này đương nhiên các giáo viên sẽ gặp khó khăn. Nhất là với những trường hợp không có chồng hoặc gia đình làm chỗ dựa.
"Tôi mong sao dịch bệnh sớm được đẩy lùi chứ kéo dài thêm 3 đến 4 tháng nữa nhiều giáo viên có lẽ không bám trụ được với nghề mà phải tìm kế sinh nhai khác", chị Ngọc Tân chia sẻ thêm.
Cùng cảnh thất nghiệp, cô Lê Thị Thu (SN 1977), giáo viên tại Trường mầm non tư thục Thiên thần nhỏ (quận Hồng Bàng, TP Hải Phòng), chia sẻ: "Tôi làm nghề đã được 5 năm, do hoàn cảnh chồng mất sớm mà con thì còn nhỏ nên trước khi dịch bùng phát cuộc sống hai mẹ con vốn chỉ đủ ăn, đủ mặc nay khó khăn hơn rất nhiều".
Nữ giáo viên này lo lắng, nếu dịch kéo dài, cô sẽ không biết xoay sở thế nào với các khoản phí sinh hoạt, tiền thuê nhà, tiền ăn uống rồi sắp tới. Con gái lên lớp 2 cũng phải chuẩn bị sách vở, đồng phục. Mọi thứ dồn dập khiến cô không biết xoay xở ra sao.
Suốt thời gian qua, cô tranh thủ nhận làm bất kể công việc gì được thuê, cốt sao có thu nhập. Đơn cử như đợt tháng 6, có người giới thiệu nên cô đã nhận hạt sen về nhà bóc, mỗi ngày cũng thu nhập được từ 50.000 - 100.000 đồng. Thế nhưng chỉ được vài hôm do dịch bệnh, hạt sen từ Hưng Yên không chuyển về được, cô lại lâm vào tình cảnh không có việc.
Mong chờ được nhận hỗ trợ
Đây là nỗi niềm chung của các giáo viên đang làm việc tại các trường mầm non tư thục tại TP Hải Phòng như cô Lê Thị Thu, cô Ngọc Tân và nhiều giáo viên khác.
Cô giáo Mai Hiền, giáo viên Trường Mầm non Ánh Dương (quận Hồng Bàng, Hải Phòng) cho biết: "Dịch bệnh khiến không riêng giáo viên mà các ngành nghề khác đều chịu ảnh hưởng, nhiều người rơi vào cảnh thất nghiệp, cuộc sống bấp bênh. Vì thế, khi nhận được thông tin về gói hỗ trợ 2.600 tỷ đồng của Chính phủ chúng tôi cảm thấy được chia sẻ, động viên và mong sớm nhận được sự giúp đỡ".
Cô giáo Mai Hiền cũng mong muốn thành phố sớm thông tin về thủ tục, tạo điều kiện để dù là lao động ngành nghề nào cũng có một khoản trang trải được ngày nào hay ngày ấy trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp như thế này.
Không chỉ giáo viên mà ngay cả các chủ trường mầm non, đặc biệt là trường tư thục cũng gặp nhiều khó khăn khi phải duy trì nhân viên, trường học đến ngày hoạt động trở lại.
Theo một chủ trường mầm non tư thuộc quận Kiến An (Hải Phòng), không riêng đối với giáo viên, dịch Covid-19 cũng gây ảnh hưởng nặng nề tới các chủ trường.
Tại Hải Phòng, trung bình tiền thuê mặt bằng trường mỗi tháng rơi vào khoảng 20 - 40 triệu đồng tùy địa điểm. Chưa kể trường của chị từ đợt dịch cố gắng hỗ trợ các cô 500.000 đồng/tháng.
"Như ai cũng biết, trường tư khi không có học sinh đồng nghĩa với không có nguồn thu, các chi phí đều phải dùng đến khoản dự trữ hoặc tiền túi của chủ trường. Tôi cố gắng duy trì để sau khi dịch được kiểm soát, các con có thể lại đến trường và giáo viên có thu nhập ổn định cuộc sống" chủ trường này chia sẻ.
Liên quan đến thông tin về gói hỗ trợ 2.600 tỷ đồng của Chính phủ, chủ trường cho biết bản thân mong muốn cơ quan chức năng địa phương tạo điều kiện về thủ tục để nhà trường chủ động thông báo, hỗ trợ giáo viên đăng ký để sớm nhận được hỗ trợ, bớt được một phần gánh nặng kinh tế trong giai đoạn khó khăn này.