Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi:
Gắn bảo tồn văn hóa vùng đồng bào với phát triển du lịch
(Dân trí) - Cùng với phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Bình Định rất chú trọng việc phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch ở địa phương.
Theo thống kê, đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Bình Định sinh sống ở 33 xã, thị trấn thuộc 6 huyện, có 39 dân tộc thiểu số với hơn 11.300 hộ, hơn 41.000 người, chiếm hơn 2,5% dân số toàn tỉnh, với 3 dân tộc chính là Chăm, Bana, H'rê.
Nhiều năm qua, kinh tế - xã hội miền núi tỉnh Bình Định đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể, đời sống nhân dân ngày càng ổn định; hoạt động văn hóa miền núi góp phần không nhỏ đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội miền núi; công tác bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số thời gian qua được các cấp, ngành quan tâm triển khai, tổ chức thực hiện đạt hiệu quả…
Tuy nhiên, trước sự bùng nổ thông tin, giao lưu văn hóa và hội nhập hiện nay, vấn đề bảo tồn, phát huy văn hóa các dân tộc miền núi vẫn còn nhiều bất cập, nhất là ở vùng sâu, vùng xa; các tập tục lạc hậu vẫn còn tồn tại trong đời sống hàng ngày của đồng bào; một số nét văn hóa tốt đẹp của các dân tộc thiểu số chưa được gìn giữ và có nguy cơ mai một…
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: năm 2021-2025, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã ban hành quyết định thực hiện Chương trình MTQG trên địa bàn, trong đó xem phát triển du lịch cũng là một trong những lĩnh vực rất quan trọng.
Vì vậy, những năm qua, tỉnh đã tập trung nguồn lực tổ chức trùng tu, tôn tạo nhiều khu di tích, phục dựng các lễ hội truyền thống để gắn với phát triển du lịch.
Đặc biệt, Sở Du lịch phối hợp UBND huyện Vĩnh Thạnh xây dựng kế hoạch phát triển du lịch tại một số điểm du lịch trên địa bàn huyện.
Sở đang trình UBND tỉnh phê duyệt dự án định hướng phát triển Làng Hà Ri (xã Vĩnh Hiệp) thành điểm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng; các sản phẩm: tham quan cảnh quan đồi, đồng ruộng, tham quan hoa Trang rừng - Suối Tà Má, các suối đầu nguồn, cây đa cổ thụ; trải nghiệm quá trình dệt thổ cẩm; trekking, dã ngoại, khám phá sinh thái cảnh quan rừng, khám phá văn hóa đặc trưng của đồng bào Bana tại địa phương…
Đồng thời, Sở Du lịch cũng phối hợp với các sở, ngành liên quan triển khai Dự án 6: Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch.
Ngoài ra, nhằm hỗ trợ bảo tồn và phát triển một số làng nghề, làng nghề truyền thống nhằm duy trì, giữ gìn và phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa đặc trưng của làng nghề gắn với kết nối, kêu gọi doanh nghiệp có năng lực hỗ trợ đầu tư phát triển, trở thành thương hiệu mạnh, tiêu biểu của tỉnh và phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Trong khi đó, Sở NN&PTNT tỉnh đã xây dựng kế hoạch thực hiện hỗ trợ bảo tồn và phát triển làng nghề, làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh. Trong đó, khôi phục, bảo tồn gắn với phát triển du lịch đối với làng nghề dệt thổ cẩm trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh.
Theo lãnh đạo Sở Du lịch, để phát huy công tác bảo tồn, phát triển bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch cộng đồng cần tăng cường công tác bảo vệ rừng, môi trường cảnh quan, sinh thái; bảo tồn bản sắc văn hóa của từng địa phương, tạo sự độc đáo, nét riêng.
Xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù như du lịch cảnh quan suối thác, khám phá rừng tự nhiên, ngắm rừng, thiền rừng, tour trồng rừng cho du khách: gắn tên, chăm sóc, cập nhật ảnh; du lịch suối nước nóng, tắm thảo dược.
Cần quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng dịch vụ, đặc biệt hệ thống giao thông kết nối các tuyến điểm du lịch để du khách đi lại thuận lợi, an toàn; đầu tư phát triển nguồn nhân lực, trong đó cần có chính sách khuyến khích cho người dân địa phương đi học các ngành nghề liên quan đến du lịch, đầu tư, ngoại ngữ…