Trang bị kỹ năng bảo vệ trẻ em trên mạng, từ kinh nghiệm của Bình Định
(Dân trí) - Công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em, đặc biệt trên môi trường mạng luôn được UBND tỉnh Bình Định chú trọng, chỉ đạo thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.
Trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng
Tác động tích cực của mạng internet trong đời sống và đối với trẻ em là điều không thể phủ nhận. Nhờ có mạng internet, trẻ em có thể học tập trực tuyến, hoàn thiện các kỹ năng, tư duy phản biện, làm việc nhóm, bổ sung các kỹ năng ngôn ngữ, tham gia các hội nhóm, cộng đồng có cùng sở thích.
Ngoài ra thành thạo sử dụng internet và các thiết bị điện tử sẽ giúp các em hoàn thiện các kỹ năng. Tuy nhiên, internet cũng có mặt trái, đó là nguy cơ trẻ tiếp cận những thông tin không phù hợp, hoặc ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần, thậm chí nhận thức bị lệch lạc.
Theo khuyến cáo của các tổ chức y tế thì trẻ em chỉ nên truy cập mạng 2-3 giờ/ngày. Tuy nhiên tại Việt Nam, thời gian trung bình trên internet của nhiều trẻ em là 5-7 giờ/ngày.
Số liệu khảo sát của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong 3 tháng đầu năm 2023 cũng cho thấy, có 89% trẻ em truy cập và sử dụng internet, trong số này, 87% sử dụng internet hàng ngày. Ngoài thời gian dành cho việc học, trung bình trẻ em sử dụng từ 5-7 giờ/ngày vào mạng xã hội.
Đáng chú ý, theo Viện Nghiên cứu quản lý và phát triển bền vững, khảo sát sau đại dịch Covid-19, độ tuổi trẻ em sử dụng internet đang giảm xuống ở 6-7 tuổi. Và có 87% trẻ 12-17 tuổi sử dụng internet ít nhất 1 lần/ngày. Đáng chú ý, có tới 40% trẻ em cảm thấy không an toàn khi sử dụng Internet và có hơn 70% trẻ đã từng có trải nghiệm không mong muốn khi sử dụng internet.
Nắm bắt được thực tế trên, UBND tỉnh Bình Định đã ban hành rất sớm kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình "Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng, giai đoạn 2022-2025".
Theo kế hoạch này, tỉnh Bình Định sẽ tổ chức các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức ở quy mô toàn tỉnh. Tăng cường hiển thị trên kênh truyền hình của tỉnh, hệ thống thông tin cơ sở về số điện thoại đường dây nóng Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em (111) tiếp nhận thông tin báo cáo xâm hại trẻ em.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Bình Định yêu cầu lồng ghép vào chương trình giáo dục, nâng cao nhận thức về môi trường mạng đối với trẻ em và kỹ năng cơ bản khi tham gia sử dụng internet, cách thức tìm kiếm sự hỗ trợ khi bị xâm hại trên môi trường mạng; đẩy mạnh các hình thức tư vấn hỗ trợ trẻ em thông qua tư vấn học đường; phấn đấu trong mỗi năm học, các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông bố trí 1 buổi ngoại khóa để trang bị kiến thức, nâng cao nhận thức về môi trường mạng cho trẻ em và kỹ năng cơ bản khi tham gia sử dụng internet.
Đặc biệt, địa phương còn khuyến khích gia đình, cha mẹ, người chăm sóc trẻ em, giáo viên chủ động, thường xuyên cập nhật kiến thức, phương pháp hướng dẫn trẻ các kỹ năng tự bảo vệ mình, tìm hiểu thông tin và khả năng tự phát hiện, tố cáo các hành vi có nguy cơ xâm hại khi tham gia môi trường mạng…
Tập huấn trang bị kỹ năng bảo vệ bản thân cho trẻ
Triển khai rộng khắp kế hoạch này, từ báo cáo kết quả triển khai Tháng hành động vì trẻ em năm 2023, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Định đã phối hợp với Tỉnh đoàn và các địa phương tổ chức 20 điểm truyền thông, tuyên truyền về các kỹ năng tự bảo vệ cho gần 12.000 học sinh THCS trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, cũng phối hợp với Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh tổ chức chương trình giao lưu, tìm hiểu về quyền trẻ em cho 60 trẻ em đại diện cho trẻ em khuyết tật, trẻ em mồ côi của một số huyện và các đơn vị, cơ sở bảo trợ xã hội của tỉnh.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh cũng tiếp tục về huyện Vân Canh tổ chức tập huấn trang bị kỹ năng phòng, chống bạo lực, xâm hại ở trẻ em.
Theo bà Trương Thị Thùy Trang, Trưởng Phòng Trẻ em và Bình đẳng giới, Sở LĐ-TB&XH, một trong những nội dung được nhấn mạnh trong các buổi tập huấn, truyền thông là kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ bản thân trên mạng xã hội.
Cho rằng không nên cấm tiệt trẻ đụng đến điện thoại hay dùng mạng xã hội, bà Trang nêu quan điểm, thay vào đó hãy quy định cụ thể thời gian dùng điện thoại hay mạng xã hội một cách phù hợp; đồng thời tích cực cập nhật cho trẻ thông tin về các chiêu trò lừa đảo, dụ dỗ trẻ em trên mạng.
Với thiện chí lắng nghe từ trẻ nhiều nhất có thể, đa số các buổi tập huấn, truyền thông thời gian qua dành một nửa thời gian để trẻ thảo luận về một vấn đề nổi cộm, rồi cùng bàn giải pháp, trình bày trước các bạn, sau đó báo cáo viên sẽ tư vấn giải pháp tốt nhất.