Dự thảo Luật BHXH sửa đổi: "Thắt chặt" các điều kiện nhận BHXH một lần
(Dân trí) - Đề xuất "thắt chặt" các điều kiện nhận BHXH một lần trong dự thảo Luật BHXH năm 2014 (sửa đổi) đang thu hút sự quan tâm của dư luận.
Những con số biết nói
Thống kê của BHXH Việt Nam, giai đoạn năm 2016 - 2020, số người lao động nhận BHXH một lần tăng khoảng 9% mỗi năm.
Đáng báo động hơn, trong quý 1/2021, cả nước có 226.503 người hưởng BHXH một lần, tăng hơn 20,5% so với cùng kỳ năm 2020. Một số địa phương có số người hưởng BHXH một lần tăng cao như Khánh Hòa, Quảng Nam, Đà Nẵng.
Theo đánh giá của BHXH Việt Nam, nguyên nhân của tình trạng trên chủ yếu là do tác động của dịch bệnh Covid-19, khiến doanh nghiệp gặp khó khăn dẫn đến nhiều lao động phải nghỉ việc.
Bên cạnh đó, một số người lao động còn quan niệm "trẻ cậy cha, già cậy con" và chưa hình thành thói quen lúc trẻ đóng BHXH để khi về già có lương hưu, không phải phụ thuộc vào con cháu.
Theo BHXH Việt Nam, người lao động đăng ký nhận BHXH một lần đồng nghĩa với việc rời khỏi hệ thống BHXH.
Đây là thực trạng đáng lo ngại, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động và ảnh hưởng tới tình hình kinh tế - xã hội, ảnh hưởng lâu dài tới sự cân đối của quỹ BHXH.
Trong tình hình đó, trung tuần tháng 4/2021, Bộ LĐ-TB&XH đã có tờ trình Chính phủ về đề xuất sửa đổi Luật BHXH năm 2014, trong đó có nội dung "thắt chặt" các điều kiện hưởng BHXH một lần.
Theo Bộ LĐ-TB&XH, hết năm 2020, hơn 16 triệu người tham gia BHXH, chỉ chiếm khoảng 33,5% lực lượng lao động trong độ tuổi.
Cụ thể, đề xuất quy định điều kiện hưởng BHXH một lần theo hướng có lộ trình tiến tới chỉ giải quyết đối với người lao động khi đã hết tuổi lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng lương hưu mà không có nhu cầu đóng tiếp.
Đề xuất quy định trường hợp chưa hết tuổi lao động mà nhận bảo hiểm xã hội một lần thì mức hưởng thấp hơn.
Ngoài ra, người lao động vẫn được nhận BHXH một lần với trường hợp phải ra nước ngoài để định cư hợp pháp hoặc mắc bệnh hiểm nghèo.
Giải pháp gì?
Trao đổi về vấn đề này với PV Dân trí, ông Trần Đình Liệu - Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam - cho rằng việc thắt chặt các điều kiện rút BHXH một lần là một trong những giải pháp nhằm đảm bảo cân đối của quỹ BHXH về lâu dài.
Bên cạnh đó, ông Trần Đình Liệu đề xuất cần xây dựng chính sách theo hướng làm rõ các quyền lợi của người tham gia BHXH một lần, qua đó để người lao động hiểu và lựa chọn.
Dựa trên nguyên tắc đóng - hưởng, khi nhận BHXH một lần, chính sách nên quy định người lao động chỉ có thể lĩnh phần kinh phí đã đóng vào quỹ BHXH, bên cạnh kinh phí của doanh nghiệp và ngân sách nhà nước hỗ trợ.
Theo ông Trần Đình Liệu, người lao động rút BHXH một lần hiện nay sẽ gồm cả 3 phần: Khoản kinh phí đóng của người lao động, doanh nghiệp và ngân sách nhà nước. Có như thế, người lao động sẽ cân nhắc tính thiệt hơn khi thực hiện việc rút BHXH một lần.
"Để tránh việc ồ ạt rút BHXH một lần, chính sách cũng cần tính thêm hướng linh hoạt: Người lao động có thể vay một phần kinh phí từ quỹ BHXH, tương ứng với tỷ lệ nhất định phần kinh phí đã đóng vào... để giải quyết các việc cấp thiết", ông Trần Đình Liệu cho biết.
Đồng quan điểm trên, bà Nguyễn Thị Lan Hương - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) - phân tích thêm: "Cần hiểu tại sao người lao động lại rút BHXH một lần? Bởi đó là tiền của họ có quyền quyết định riêng việc này, họ cần một khoản tiền để chi tiêu gia đình như sửa nhà, khởi nghiệp, hỗ trợ người thân".
Vị chuyên gia này cho rằng việc người lao động ồ ạt rút BHXH một lần còn phần nào thể hiện sự chưa hiểu rõ về quỹ BHXH. Vì vậy cần tăng cường hơn nữa công tác truyền thông về nhận thức của người dân về quỹ BHXH.
"Thậm chí, chính sách cần xây dựng thêm các giải pháp có tính khuyến khích, thu hút người lao động đã tham gia BHXH hạn chế rút BHXH một lần", bà Nguyễn Thị Lan Hương nói.
Có tích lũy, người lao động sẽ hạn chế rút BHXH một lần
Theo ông Lê Đình Quảng - Phó trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐ VN), chủ trương thắt chặt điều kiện hưởng BHXH một lần và qua đó đảm bảo an sinh xã hội lâu dài đã được xác định trong NQ 28/NQ-TW.
"Tuy nhiên, một trong những lý do lương của người lao động, đặc biệt là lao động phổ thông rất thấp, chỉ "ráo mồ hôi là hết tiền". Nhiều trường hợp mặc dù biết nhận BHXH một lần là thiệt thòi nhưng nếu không lấy khoản đó thì không còn biết dựa vào đâu", ông Lê Đình Quảng bày tỏ.
Theo ông Lê Đình Quảng, về lâu dài, chính sách cần quan tâm tới việc nâng cao đời sống người lao động, đảm bảo cuộc sống và có 1 phần tích lũy đề giải quyết bất trắc như chấm dứt hợp đồng lao động và phải nghỉ việc.
"Ngoài việc tăng cường thắt chặt quản lý việc rút BHXH một lần theo hướng ồ ạt, chính sách cũng cần được thiết kế theo hướng linh hoạt để người lao động trong những trường hợp cụ thể...", ông Lê Đình Quảng nói.