Dự sinh tháng 4/2025, bây giờ nghỉ việc thì làm sao để được hưởng thai sản?
(Dân trí) - Thời gian dự sinh của chị An là tháng 4/2025. Tuy nhiên, do thay đổi nơi ở nên chị dự định sẽ nộp đơn nghỉ việc vào cuối tháng này.
Chị An đã đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc liên tục hơn 9 năm tại đơn vị đang công tác. Sắp tới, An thay đổi nơi ở nên dự định xin nghỉ việc ở công ty vào cuối tháng này.
Tuy nhiên, chị An vừa mang thai và dự kiến là tháng 4/2025 sẽ sinh nên chị lo lắng nghỉ việc vào thời điểm này sẽ không được hưởng chế độ thai sản.
Chị An hỏi: "Trong trường hợp đóng BHXH tại công ty hết tháng 8 thì tôi có được nhận trợ cấp thai sản khi sinh em bé vào tháng 4/2025 không? Trường hợp tôi dừng đóng bảo hiểm ở công ty từ tháng 8, sang tháng 9 sẽ đóng theo dạng BHXH tự nguyện thì đến tháng 4/2025 có được nhận trợ cấp thai sản không?".
Theo BHXH Việt Nam, điều kiện hưởng chế độ thai sản đối với lao động nữ sinh con hiện hành được quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều 31 Luật BHXH năm 2014.
Theo đó, điều kiện để được hưởng chế độ thai sản khi sinh con là lao động nữ phải đóng BHXH từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.
Trong trường hợp lao động nữ đã đóng BHXH từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai (theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền) thì phải đóng BHXH từ đủ 3 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.
Trường hợp chị An hỏi được quy định tại Khoản 4 Điều 31 Luật BHXH năm 2014. Theo đó, người lao động đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản theo quy định trên mà chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc; hoặc thôi việc trước thời điểm sinh con thì vẫn được hưởng chế độ thai sản.
Theo BHXH Việt Nam, trường hợp chị An dự kiến sinh con vào tháng 4/2025 thì thời gian 12 tháng trước khi sinh con được tính từ tháng 4/2024 đến tháng 3/2025.
Nếu trong khoảng thời gian này mà chị An có từ đủ 6 tháng tham gia BHXH thì đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản theo quy định.
Trong trường hợp chị An phải nghỉ việc sớm để dưỡng thai (theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền) thì trong khoảng thời gian này phải đóng BHXH từ đủ 3 tháng trở lên thì đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản theo quy định.
Chị An có thể căn cứ vào thời gian sinh con thực tế và quá trình đóng BHXH bắt buộc của mình để đối chiếu, xác định có đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản hay không.
Trường hợp chị An sau khi nghỉ việc, dừng đóng BHXH bắt buộc và tham gia BHXH tự nguyện thì thời gian tham gia BHXH tự nguyện không được tính để hưởng chế độ thai sản.
Theo BHXH Việt Nam, người lao động tham gia BHXH tự nguyện chỉ đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất, không đóng vào quỹ ốm đau, thai sản. Do đó, khi người lao động sinh con, thời gian tham gia BHXH tự nguyện không được hưởng chế độ thai sản.