1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Quảng Ninh:

Xem xét chính sách trợ giúp pháp lý đồng bào dân tộc thiểu số

An Nhiên

(Dân trí) - Hai nghị quyết có ý nghĩa bảo đảm an sinh xã hội, góp phần nâng cao chất lượng sống cho người dân sẽ được HĐND tỉnh Quảng Ninh khóa XIV xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 11 đang diễn ra.

Xem xét chính sách trợ giúp pháp lý đồng bào dân tộc thiểu số - 1

Quang cảnh một cuộc họp HĐND tỉnh Quảng Ninh (Ảnh: Cổng TTĐT tỉnh).

Đó là, Nghị quyết về chính sách trợ giúp pháp lý tại các xã, thị trấn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2022-2025 và Nghị quyết về chính sách hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

Đây cũng là vấn đề gắn bó thiết thực tới đời sống của nhân dân, nhất là nhóm yếu thế, cần được tập trung thảo luận kỹ lưỡng, để các nghị quyết ban hành đi ngay vào cuộc sống, người dân được thụ hưởng các quyết sách.

Ngày 4/11, HĐND tỉnh Quảng Ninh khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026, đã khai mạc Kỳ họp thứ 11 (kỳ họp chuyên đề) để thảo luận, quyết nghị một số nội dung thuộc thẩm quyền của HĐND tỉnh.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Xuân Ký chủ trì kỳ họp.

Phát biểu khai mạc kỳ họp, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Xuân Ký nhấn mạnh, Quảng Ninh đã đi qua 10 tháng năm 2022 với những kết quả tích cực là chủ đạo, nổi bật, cơ bản. Toàn tỉnh đã triển khai hiệu quả các chỉ đạo, nghị quyết, kiên trì giữ vững địa bàn an toàn, ổn định, phát triển trong trạng thái bình thường mới, thích ứng linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, thực hiện tốt "mục tiêu kép", giữ vững đà tăng trưởng GRDP hơn hai con số; tổng thu ngân sách đạt 44.870 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ...

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND cũng nhấn mạnh, quỹ thời gian còn lại của năm 2022 để về đích hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ của cả năm, đặc biệt là nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước, giải ngân vốn đầu tư công... càng ngắn, áp lực càng lớn, đòi hỏi các cấp, ngành, địa phương, cơ quan, nhất là lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp càng phải quyết tâm cao, nỗ lực lớn, thật sự trăn trở, năng động, coi trọng chất lượng, hiệu quả, thực tế của công việc...

Xem xét chính sách trợ giúp pháp lý đồng bào dân tộc thiểu số - 2

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Xuân Ký, phát biểu khai mạc Kỳ họp (Ảnh: Cổng TTĐT tỉnh).

Do vậy, để kỳ họp chuyên đề thực sự thiết thực, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐĐND tỉnh lưu ý một số vấn đề có tính chất gợi mở để các đại biểu tham dự kỳ họp và các đại biểu HĐND tỉnh quan tâm trong quá trình thảo luận, xem xét, quyết định.

Theo đó, HĐND tỉnh sẽ xem xét, thảo luận, quyết nghị các nội dung về điều chỉnh dự toán chi đầu tư phát triển ngân sách địa phương, dự toán chi ngân sách cấp tỉnh năm 2022 và việc phân bổ, điều chỉnh bổ sung kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách tỉnh năm 2022. Cụ thể, phải rà soát kỹ lưỡng, đánh giá sát khả năng thu ngân sách của từng sắc thuế; thực hiện việc điều chỉnh giảm các nhiệm vụ chi để đảm bảo sử dụng kinh phí đúng mục đích, đúng đối tượng, tiết kiệm, hiệu quả, chống lãng phí, tiêu cực, "lợi ích nhóm"...

Bên cạnh đó, bố trí vốn ngân sách tỉnh hỗ trợ cho các địa phương đối với các dự án, công trình đã hoàn thiện thủ tục đầu tư bảo đảm chặt chẽ, đúng pháp luật, không tiềm ẩn nguy cơ thất thoát, lãng phí, tiêu cực. 

Đối với việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 vốn ngân sách tỉnh phải tuân thủ các nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ, phải tính toán tổng thể đến tỷ trọng chi đầu tư phát triển trong tổng chi ngân sách, giữ vai trò chủ đạo của ngân sách cấp tỉnh trong đầu tư công. Cần bảo đảm cơ cấu đầu tư hợp lý giữa các ngành, lĩnh vực, giữa ngân sách cấp tỉnh và ngân sách cấp huyện, giữa các vùng, miền.

Về việc sửa đổi, bổ sung một số nội dung Nghị quyết số 50/NQ-HĐND ngày 13/11/2021 của HĐND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình tổng thể phát triển bền vững kinh tế - xã hội, bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo gắn với xây dựng nông thôn mới... cần làm rõ các nguyên tắc, tiêu chí, tỷ lệ hỗ trợ từ ngân sách tỉnh cho các địa phương và trách nhiệm bố trí vốn đối ứng của các địa phương để đảm bảo hoàn thành dứt điểm, phát huy hiệu quả các dự án sau đầu tư.

Đặc biệt, xây dựng cơ chế giám sát cụ thể, tuyệt đối không đặt ra các tiêu chí, nội dung, dự án tiềm ẩn nguy cơ gây lãng phí, thất thoát, tiêu cực, "lợi ích nhóm", tạo cơ chế "xin - cho", "trên cấp - dưới duyệt".