Đối tượng được chi trả 95% chi phí khám chữa bệnh trong năm 2024
(Dân trí) - Từ năm 2024 sẽ có thêm nhiều nhóm tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) được quỹ BHYT chi trả 95% chi phí khám chữa bệnh.
Năm 2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định 146/2018/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT. Điều 14 của Nghị định này quy định mức hưởng BHYT của từng nhóm đối tượng tham gia BHYT, trong đó có các nhóm được hưởng 95% chi phí khám chữa bệnh, cao hơn mức phổ biến là 80%.
Tuy nhiên, ngày 19/10, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 75/2023/NĐ-CP nhằm sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 146/2018/NĐ-CP. Trong đó, điều 14 của Nghị định số 146/2018/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung thêm nhiều nhóm được hưởng mức chi trả 95% chi phí khám chữa bệnh.
Nghị định số 75/2023/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 3/12. Do đó, những nhóm đối tượng, những trường hợp được hưởng 95% chi phí khám chữa bệnh BHYT trong năm 2024 được áp dụng theo Nghị định số 75/NĐ-CP.
Theo đó, từ năm 2024, sẽ có 7 nhóm tham gia BHYT được hưởng 95% chi phí khám chữa bệnh BHYT, tăng 3 nhóm so với trước đây.
Thứ nhất là người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hàng tháng.
Thứ 2 là thân nhân của người có công với cách mạng (trừ những người thuộc diện được chi trả 100% chi phí khám chữa bệnh), chia làm 2 nhóm nhỏ.
Nhóm nhỏ 1 là cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con từ trên 6 tuổi đến dưới 18 tuổi hoặc từ đủ 18 tuổi trở lên nếu còn tiếp tục đi học hoặc bị khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng của các đối tượng: Người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945; người hoạt động cách mạng từ ngày 1/1/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945; anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến; thương binh, bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên; người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên.
Nhóm nhỏ 2 là con đẻ từ đủ 6 tuổi trở lên của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học bị dị dạng, dị tật do hậu quả của chất độc hóa học không tự lực được trong sinh hoạt hoặc suy giảm khả năng tự lực trong sinh hoạt được hưởng trợ cấp hàng tháng.
Thứ 3 là vợ hoặc chồng liệt sĩ lấy chồng hoặc vợ khác đang hưởng trợ cấp hằng tháng.
Thứ 4 là người phục vụ người có công đang sống ở gia đình, bao gồm: Người phục vụ Bà mẹ Việt Nam anh hùng; người phục vụ thương binh, bao gồm cả thương binh loại B được công nhận trước ngày 31/12/1993, người hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 81% trở lên.
Thứ 5 là người thuộc hộ gia đình cận nghèo theo chuẩn hộ cận nghèo giai đoạn 2022-2025 quy định tại Nghị định số 07/2021/NĐ-CP và các văn bản khác của cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế chuẩn hộ cận nghèo áp dụng cho từng giai đoạn.
Thứ 6 là người thuộc hộ gia đình nghèo đa chiều không theo chuẩn hộ nghèo giai đoạn 2022-2025 quy định tại Nghị định số 07/2021/NĐ-CP và các văn bản khác của cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế chuẩn nghèo áp dụng cho từng giai đoạn.
Thứ 7 là người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại địa bàn các xã khu vực II, khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016-2020 mà các xã này không còn trong danh sách các xã khu vực II, khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Bạn đọc có thể tham khảo chi tiết Nghị định 75/2023/NĐ-CP TẠI ĐÂY.