Phát triển kinh tế xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi:
Đời sống bà con vùng dân tộc thiểu số Nghệ An ổn định, khởi sắc rõ rệt
(Dân trí) - Sản xuất, đời sống của bà con dân tộc thiểu số ở Nghệ An trong năm qua cơ bản ổn định, có những bước khởi sắc rõ rệt, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao.
Đại diện Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An cho biết, trong năm qua công tác chỉ đạo điều hành, tổ chức triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 luôn là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của UBND tỉnh.
Trong đó, quan trọng nhất là công tác chỉ đạo rà soát những vấn đề còn khó khăn, vướng mắc liên quan đến cơ chế, chính sách, định mức trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện Chương trình; đồng thời, đã chủ động bám sát các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Tỉnh ủy, UBND tỉnh để tập trung chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ của Chương trình...
Vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Nghệ An có diện tích 13.745km2, chiếm 83% diện tích tự nhiên; dân số 1.197.628 người, chiếm 41%, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số có 491.267 người, chiếm 14,76% dân số toàn tỉnh, gồm 47 dân tộc thiểu số với 5 dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ cao là Thái, Thổ, Khơ Mú, Mông, Ơ Đu.
Có 27 xã biên giới với 24 xã có liên quan đến việc thực hiện các chính sách vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tiếp giáp với các tỉnh của nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào; là địa bàn có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và môi trường sinh thái.
Khu vực này có nhiều tiềm năng lớn về tài nguyên đất đai để trồng cây công nghiệp, lâm nghiệp, dược liệu, chăn nuôi đại gia súc, gia cầm; khai thác khoáng sản và phát triển thương mại, du lịch sinh thái gắn liền với bảo tồn, gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số tỉnh Nghệ An.
Ông Vi Văn Sơn, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Nghệ An cho biết, trong năm qua sản xuất, đời sống cơ bản ổn định, có những bước khởi sắc rõ rệt, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao.
Trong năm qua đã hỗ trợ đất ở cho 31 hộ ở 3 huyện Kỳ Sơn (11 hộ), Tương Dương (10 hộ), Quế Phong (10 hộ). Đến nay, các huyện đã phê duyệt đối tượng, thực hiện hỗ trợ 10 hộ, với kinh phí hỗ trợ là 40 triệu đồng/hộ. Ước đến 31/12 thực hiện đạt 100% kế hoạch.
Thực hiện hỗ trợ cho 494 hộ (năm 2022 là 315 hộ, năm 2023 là 179 hộ). Đến nay các huyện đã rà soát, phê duyệt đối tượng các hộ gia đình thụ hưởng. Đã xây dựng hoàn thành 166 căn nhà, đang xây dựng 209 căn nhà, có 119 hộ chưa khởi công xây dựng. Dự kiến đến 31/12, thực hiện đạt 100% kế hoạch...
Phát triển sản xuất Nông - Lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị; phát triển kinh tế Nông - Lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân.
"Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh Nghệ An đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, đôn đốc các ngành, phối hợp với các địa phương triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi luôn là nhiệm vụ trọng tâm trong triển khai kế hoạch, nhiệm vụ của UBND tỉnh", Trưởng ban Dân tộc tỉnh Nghệ An chia sẻ.
Dự kiến đến hết năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo so với năm 2021 của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giảm khoảng trên 3%, vượt kế hoạch mục tiêu, nhiệm vụ được giao năm 2023.
Kết quả bước đầu thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia đang góp phần làm thay đổi tốt hơn bức tranh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt các nội dung đầu tư, hỗ trợ có liên quan trực tiếp đến người dân như hỗ trợ đất ở, nhà ở, chuyển đổi nghề, nước sinh hoạt; bồi dưỡng kiến thức dân tộc, đào tạo nghề, nâng cao năng lực cho cộng đồng...