Đổi mới cách tiếp cận giảm nghèo bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Sơn Nguyễn

(Dân trí) - Mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu nhưng công tác giảm nghèo vẫn gặp khó khăn, thách thức. Do đó cần phải đổi mới cách tiếp cận về giảm nghèo, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Trong những năm qua, công tác giảm nghèo luôn là một chủ trương, chính sách lớn, quan trọng của Đảng và Nhà nước ta. Hệ thống chính sách hướng tới mục tiêu giảm nghèo được đặc biệt quan tâm bố trí nguồn lực và kiên trì, bền bỉ thực hiện qua từng giai đoạn.

Thách thức với nỗ lực giảm nghèo

Theo "báo cáo nghèo đa chiều ở Việt Nam" năm 2021 của Bộ LĐ-TB&XH, năm 1993, tỷ lệ hộ nghèo cả nước là 58,1%, đến cuối năm 2021 còn 2,23%. Việt Nam đã hoàn thành sớm mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc về xóa đói, giảm nghèo và được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng về giảm nghèo trên thế giới.

Đặc biệt, Báo cáo chỉ rõ, nghèo đa chiều đã giảm liên tục và đáng kể, từ 18,1% năm 2012 xuống 10,9% năm 2016 và 4,4% năm 2020. Đáng chú ý, trong khi tỷ lệ nghèo về thu nhập luôn thấp hơn tỷ lệ nghèo đa chiều trong thập kỷ qua, thì nay khoảng cách giữa hai tỷ lệ này đã thu hẹp đáng kể, chỉ còn 0,6 điểm phần trăm vào năm 2020.

Năm 2014, cứ 10 người thì có một người nghèo về thu nhập, nhưng một nửa trong số họ đã thoát nghèo bền vững trong giai đoạn trước đại dịch Covid-19.

Tuy nhiên, theo đánh giá trong báo cáo này, kết quả giảm nghèo của Việt Nam chưa thật sự bền vững, nguy cơ tái nghèo và phát sinh nghèo còn cao; chênh lệch mức sống, điều kiện tiếp cận các dịch vụ cơ bản, tiếp cận thị trường, giải quyết việc làm giữa các địa phương, vùng, miền, nhóm dân cư chưa được thu hẹp nhiều. Một số nơi tỷ lệ hộ nghèo còn cao, đời sống còn khó khăn, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Báo cáo cũng nêu rõ, tình trạng thoát nghèo của nhóm đồng bào dân tộc thiểu số còn thiếu bền vững. Theo kết quả điều tra, 20% nhóm đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo giai đoạn năm 2016 đã tái nghèo vào năm 2018, trong khi tỷ lệ này của nhóm người Kinh - Hoa chỉ là 7,6%.

Đổi mới cách tiếp cận giảm nghèo bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số - 1

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung.

Báo cáo tại cuộc làm việc với Tổ công tác Đoàn giám sát của Quốc hội về kết quả triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021- 2025 này là sự kế tiếp của giai đoạn 2016-2020, nhưng cũng đòi hỏi cao hơn kể cả về mặt tiêu chí cũng như là về định mức, các nội dung liên quan.

Tuy nhiên, theo người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH, chương trình ngay từ khi bắt đầu đã gặp những khó khăn nhất định, đặc biệt là do tác động của đại dịch Covid-19.

"Một thách thức hiện nay trong công tác giảm nghèo là vẫn còn một bộ phận người nghèo chưa chủ động vươn lên mà còn tâm lý trông chờ, ỷ lại. Trong khi đó, thiên tai, dịch bệnh có thể làm gia tăng đáng kể số hộ nghèo; đại dịch Covid-19 xảy trong 2 năm vừa qua là một "phép thử" rõ nhất.

Hơn nữa, dù hệ thống chính sách, pháp luật về giảm nghèo được ban hành khá đồng bộ, toàn diện, nhưng vẫn còn một số cơ chế, chính sách, chương trình giảm nghèo chưa thực sự hiệu quả", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

Muốn giảm nghèo bền vững phải đổi mới cách tiếp cận

Để đẩy mạnh công tác giảm nghèo, Việt Nam đã nhiều lần điều chỉnh tiêu chí nghèo; từ các tiêu chí về lương thực nhằm bảo đảm có ăn, có mặc, đến áp dụng giá cả, thu nhập, mức sống tối thiểu...

Từ năm 2016, chuẩn nghèo đa chiều với các tiêu chí nhận diện là thu nhập và 5 chỉ tiêu (10 chỉ số) về thiết hụt các dịch vụ xã hội đã được áp dụng để đo lường tình trạng nghèo.

Đổi mới cách tiếp cận giảm nghèo bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số - 2

Nhiều tấm gương vươn lên thoát nghèo.

Theo lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH, để giảm nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã được bố trí nguồn lực để đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu; các lĩnh vực giáo dục đào tạo, đời sống văn hóa, chăm sóc sức khỏe của đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm sâu sắc...

Giai đoạn 2021 - 2025, công tác giảm nghèo được nâng lên tầm cao mới, với việc áp dụng chuẩn nghèo cao hơn giai đoạn trước theo Nghị định số 07/2021/NĐ-CP, ngày 27/1/2021 của Chính phủ. Chuẩn nghèo giai đoạn này được nhận diện ở tiêu chí thu nhập và 6 chỉ tiêu (12 chỉ số) dịch vụ xã hội cơ bản, đã nâng tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo tăng từ 5,2% năm 2020 lên 9,35% năm 2022.

Trong khi đó, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo duy trì ở mức 1,0 - 1,5%/năm; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3,0%/năm; đến năm 2025 có 30% huyện nghèo, 30% xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn. Để đạt mục tiêu này, theo lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH cần phải có những đổi mới, sáng tạo hơn trong cách thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, các giải pháp giảm nghèo phải triển khai thiết thực và hiệu quả hơn nữa.

"Cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, ngành và toàn xã hội, nhất là người dân nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong giảm nghèo bền vững.

Phát huy mạnh mẽ truyền thống đoàn kết, tinh thần "tương thân tương ái" của dân tộc ta đối với người nghèo; đồng thời, khơi dậy ý chí tự lực tự cường của người nghèo, chủ động vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước và xã hội", lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH nhấn mạnh.

Đổi mới cách tiếp cận giảm nghèo bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số - 3

Nhờ những kinh nghiệm học hỏi được trong quá trình làm nông nghiệp tại Hàn Quốc, anh Vũ Đình Gió (Bắc Hà, Lào Cai) đã khởi nghiệp thành công trên mảnh đất quê hương.

Ngoài thực hiện các chính sách giảm nghèo đặc thù của từng địa phương, giai đoạn 2021 - 2025, cần đổi mới cách tiếp cận về giảm nghèo, tăng cường các chính sách hỗ trợ có điều kiện; tập trung thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, tín dụng chính sách xã hội, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người nghèo; hỗ trợ tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân. 

Đồng thời, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho giảm nghèo; đầu tư có trọng tâm, trọng điểm; tập trung phát triển sản xuất, giáo dục nghề nghiệp cho người nghèo; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở các huyện nghèo và các xã đặc biệt khó khăn…

Cùng với đó, tiếp tục thực hiện rà soát, đánh giá hệ thống chính sách giảm nghèo, trên cơ sở đó lồng ghép các chính sách, loại bỏ các chính sách chồng chéo, không hiệu quả; tích hợp, trình cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách hỗ trợ có điều kiện gắn với tiêu chí cụ thể như đối tượng, địa bàn, thời gian thụ hưởng.