1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Đắk Nông:

Đỏ mắt tìm nhân công thời "vàng đen" mất giá

(Dân trí) - Hồ tiêu - một thời được coi là "vàng đen" của Tây Nguyên - rớt giá thảm hại khiến việc sản xuất nông sản này bị ảnh hưởng. Hàng ngàn diện tích hồ tiêu đã vào thời kỳ thu hoạch song nhiều gia đình vẫn không thể tìm được nhân công do giá quá cao hoặc khan hiếm người.

Với diện tích hồ tiêu lớn nhất tỉnh Đắk Nông, hiện nhiều hộ trồng hồ tiêu tại huyện Đắk vẫn tất tả lo tìm người thu hái khi đã vào chính vụ. Dù giá thuê cao, khoảng 200-220 ngàn đồng/người/ngày nhưng vẫn thiếu nhân công trầm trọng, trong khi đó rất ít nhân công chấp nhận làm theo tháng.

Anh Triệu Quang An (ngụ xã Nam N'Jang, huyện Đắk Song) chia sẻ: “Gia đình anh có khoảng 10 ha trồng hồ tiêu, những năm trước khi hồ tiêu được giá, nhân công ở khắp nơi đổ về tìm hái thuê. Nhưng vụ này lại rất ít nhân công, vì công hái không cao như mọi năm nên họ không đến nữa. Bây giờ ai cũng quay mặt với loại cây này vì giá xuống quá thấp. Ngay từ đầu mùa, tôi đã phải gọi điện về quê nhờ người nhà vào hái giúp mà chưa được".

Đã vào chính vụ hồ tiêu, nhưng nhiều hộ nông dân đỏ mắt tìm nhân công thu hái
Đã vào chính vụ hồ tiêu, nhưng nhiều hộ nông dân đỏ mắt tìm nhân công thu hái

Ngoài người thân từ quê vào, gia đình anh An chỉ thuê được hai cặp vợ chồng từ Bình Phước lên hái thuê. Để nhân công không bỏ đi nơi khác, anh An phải cho họ ra ở riêng và trả công 6 triệu đồng/ tháng.

Gia đình chị Lê Thị Thịnh (xã Nam N’Jang, huyện Đắk Song) cũng có 4ha hồ tiêu đang trong vụ thu hoạch nhưng cũng chưa kiếm được nhân công thu hái. Theo tính toán của chị Thịnh, trung bình mỗi ha cần 6-8 nhân công mới kịp thu hoạch trước khi hồ tiêu chín rụng. Thiếu nhân công thu hoạch hồ tiêu khiến nông dân này lo lắng, đứng ngồi không yên vì khoảng 70% diện tích đã chín đỏ.

Bây giờ ai cũng quay mặt với loại cây này vì giá xuống quá thấp
Bây giờ ai cũng quay mặt với loại cây này vì giá xuống quá thấp

Tình hình cũng không khả quan khi từ giữa tháng 1 tới nay, nhiều hộ nông dân tại huyện Krông Nô cũng chật vật tìm nhân công thu hái hồ tiêu.

Nhìn cả ngàn trụ tiêu chín đỏ trụ nhưng trên vườn chỉ có 5 người hái, ông Nguyễn Văn Tương (thôn Đắk Tâm, xã Đắk D’rô, huyện Krông Nô) chỉ biết chạy đôn chạy đáo khắp nơi tìm nhân công. Người thì đòi công quá cao, người lại chỉ nhận hái khoán nên đến cuối tháng 2, ông Tương vẫn chưa tìm đủ công.

Ông này cho biết, từ đầu tháng 2 gia đình đã bắt đầu tiến hành thu hoạch, sau Tết Nguyên đán là hồ tiêu chín rộ, phải hái sớm để bước vào chăm sóc cho đúng mùa vụ. Thế nhưng, năm nay giá nhân công rất cao, từ 220.000 - 250.000 đồng/ngày nhưng cũng chẳng dễ tìm. Trong khi đó, giá hồ tiêu sụt giảm nghiêm trọng, chỉ còn hơn 60.000 đồng/kg (bằng 1/3 so với năm 2017) nên nhiều gia đình khó chấp nhận được.

“Giá nhân công cao gấp mấy lần giá hồ tiêu thì lỗ chứ làm gì có lãi lời gì. Tuy nhiên, tiêu thì chín hết rồi, nên gia đình cũng phải thuê 2 người từ Đắk Lắk, với 3 người trong nhà để thu hoạch”, ông Tương thở dài.

Nhân công ít, giá cao khiến việc thu hoạch gặp nhiều khó khăn
Nhân công ít, giá cao khiến việc thu hoạch gặp nhiều khó khăn

Cách đó không xa, tại rẫy hồ tiêu của gia đình bà Lê Thị Tích (cùng thôn Đắk Tâm) không khí vắng vẻ, đìu hiu hơn. Không kiếm được người hái tiêu, nên mấy hôm trước chồng bà Tích phải lặn lội về tận Cao Bằng thuê anh em, họ hàng vào hái, nhà chỉ còn một mình bà vừa nhặt tiêu rụng vừa...đuổi chim để chờ người thu hoạch.

Hơn 2ha tiêu đang chín rộ, có trụ đã rụng đầy gốc, bà Tích cho biết, từ vụ năm ngoái tới nay, tình trạng khan hiếm nhân công đã làm phát sinh hình thức mới là hái thuê theo vườn. Tuy nhiên, người hái thuê chỉ quan tâm đến số lượng, không biết giữ gìn cây nên gia đình bà không yên tâm khoán vườn, mà chỉ cho đi hái cùng người nhà. Bà Tích ước tính, với hơn 2ha tiêu này, gia đình bà sẽ mất vài chục triệu tiền công thu hoạch.

Những vườn tiêu vắng bóng người thu hoạch một phần gio giá loại hạt này rớt mạnh
Những vườn tiêu vắng bóng người thu hoạch một phần gio giá loại hạt này rớt mạnh

“Chưa năm nào nhà tôi lại rơi vào tình cảnh này. Liên hệ với một số người hái thuê năm ngoái thì họ không vào nữa vì ngày công thấp quá, một số bỏ luôn việc vì nghề hái tiêu leo trèo, phơi nắng nguy hiểm và vất vả. Nóng ruột nên tôi đã lên tận bến xe để chờ thuê lao động tự do nhưng không thuê được nên ông nhà tôi phải về tận quê tìm người. Hứa bao ăn ở, trả công cao mà vẫn chưa tìm được ai”, bà này cho hay.

Một số bỏ luôn việc vì nghề hái tiêu leo trèo, phơi nắng nguy hiểm và vất vả
Một số bỏ luôn việc vì nghề hái tiêu leo trèo, phơi nắng nguy hiểm và vất vả

Theo một số nông dân, trước đây vào vụ thu hoạch cà phê, hồ tiêu, nhân công từ các tỉnh phía Bắc và miền Trung thường kéo nhau lên Tây Nguyên hái thuê nên một số chỗ rất nhộn nhịp, hình thành cả “chợ” nhân công. Nhưng từ năm ngoái tới nay, nhân công từ các tỉnh khác về địa phương hái thuê rất ít, phần lớn người đang hái thuê là lao động địa phương hoặc các xã lân cận. Họ tranh thủ thời gian rảnh rỗi hoặc cây trồng của mình chưa cho thu hoạch để làm thêm. Một số gia đình chưa thuê được ông đành chấp nhận để trái chín rụng hoặc đi đổi công qua lại.

Theo thống kê của ngành Nông nghiệp tỉnh này, hiện diện tích hồ tiêu của Đắk Nông là trên 27.000 ha. Hồ tiêu được trồng ở khắp các xã trong tỉnh, những địa phương có diện tích hồ tiêu lớn là Đắk Song, Đắk Mil, Krông Nô. Hiện diện tích hồ tiêu của tỉnh này đang vượt so với quy hoạch đến năm 2025.

Dương Phong