Nhiều ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng lớn, thiếu lao động trầm trọng

Nhiều ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng lớn ở TP Hồ Chí Minh luôn trong tình trạng thiếu lao động trầm trọng.

Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thị trường lao động TP Hồ Chí Minh, thị trường lao động TP Hồ Chí Minh trong thời gian qua luôn thiếu lao động qua đào tạo có trình độ tay nghề giỏi, số lao động đã qua đào tạo nghề vẫn còn thấp, chỉ chiếm khoảng 60% tổng số lao động.

Trong khi đó, nhiều ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng lớn là công nghệ hàn, công nghệ kỹ thuật cơ điện tử, công nghệ kỹ thuật điện – điện tử, mỹ thuật công nghiệp, kiến trúc – xây dựng, công nghệ thực phẩm… nhưng vẫn luôn trong tình trạng thiếu lao động.

Các bạn sinh viên cần nâng cao tay nghề từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường để không bị hậu so với các nước.
Các bạn sinh viên cần nâng cao tay nghề từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường để không bị hậu so với các nước.

Theo nhận định của những chuyên gia trong lĩnh vực tuyển dụng, nền kinh tế hội nhập sâu rộng sẽ ngày càng đòi hỏi gắt gao về chuyên môn, tay nghề, bậc thợ đối với người lao động. Để không bị tụt hậu so với các nước, người lao động cần nâng cao tay nghề ngay từ khi còn ngồi trong ghế nhà trường.

Ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh, cho biết hiện nay để nâng cao chất lượng, trình độ tay nghề cho người lao động, đơn vị đã cùng với Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh hoàn chỉnh hệ thống giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn.

Trong đó, thực hiện đầu tư tăng cường thiết bị dạy nghề cho trường nghề trọng điểm, tăng cường đầu tư trang thiết bị dạy nghề cho 5 cơ sở dạy nghề công lập tại 5 huyện để dạy nghề cho lao động nông thôn, xây dựng trường dạy nghề chất lượng cao cho 3 trường cao đẳng nghề và 1 trường trung cấp nghề.

“Sắp tới, đơn vị và Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố tiếp tục củng cố và phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề. Thực hiện chuẩn hóa trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên các nghề trọng điểm. Đào tạo, bồi dưỡng đạt chuẩn cho giáo viên về trình độ công nghệ thông tin, ngoại ngữ, kiểm tra và cấp chứng chỉ kỹ năng dạy thực hành cho giáo viên dạy nghề…

Chương trình, nội dung đào tạo nhân lực tay nghề cao tiếp tục được đổi mới. Đổi mới quản lý và giảng dạy theo hướng tiếp cận, nâng cao tay nghề, từng bước tiếp cận trình độ của các nước tiên tiến, khu vực ASEAN và quốc tế”, ông Khiết cho biết thêm.

Theo baotintuc.vn