"Dì ghẻ" Quỳnh Trang "xin sống rồi lại đòi chết": Giá nào cho cái ác?
(Dân trí) - "Dì ghẻ" Nguyễn Võ Quỳnh Trang đánh đập bé gái 8 tuổi ở TPHCM đến chết vừa xin rút kháng cáo, chấp nhận án tử hình. Bị cáo đang đối mặt với bản án của lương tâm, bản án từ công luận...
Trước thềm phiên tòa phúc thẩm vụ Nguyễn Võ Quỳnh Trang đánh con riêng của người tình đến chết (dự kiến diễn ra ngày 28/4), thông tin liên quan đến vụ án lại dấy lên những quan tâm.
Việc này cũng là điều dễ hiểu khi dư luận không thể cầm lòng trước cái chết đớn đau, cô độc của bé V.A cũng như chuyện thời gian dài trước đó cô bé sống trong cảnh đọa đầy của bố và "dì ghẻ".
Trước đó, vào tháng 11/2022, TAND TPHCM xử sơ thẩm và tuyên phạt bị cáo Trang mức án tử hình về tội "Giết người" và "Hành hạ người khác". Bị cáo Nguyễn Kim Trung Thái, cha của nạn nhân bị phạt 8 năm tù về tội "Hành hạ người khác" và "Che giấu tội phạm".
Sau phán quyết trên, từ trại giam, bị cáo Trang có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt vì cho rằng mức án trên là quá nặng so với hành vi phạm tội của mình.
Tuy nhiên, sau khi xin "được sống" không lâu thì Trang bất ngờ rút kháng cáo, chấp nhận mức án tử hình ngay trước ngày phiên tòa phúc thẩm diễn ra. Được biết, trong đơn rút kháng cáo, "ác mẫu" 28 tuổi cho biết, đến giai đoạn xét xử phúc thẩm, bản thân cảm thấy áp lực, mệt mỏi, không muốn dư luận xã hội làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người thân sau những gì đã xảy ra.
Tội ác của Trang với con riêng của người tình, bé V.A, thực sự vượt qua mọi trí tưởng tượng của bất kỳ ai. Liên tục gần 3 tháng liền, từ tháng 10/2021 đến ngày 22/12/2021, bé V.A tử vong là những chiêu thức bạo hành, tra tấn kinh hoàng như đánh đập bằng roi, thanh sắt. Cháu bé bị lột đồ, bị nhốt vào chuồng chó, bị bắt quỳ gối...
Cuộc sống đọa đày của một bé gái trong căn chung cư cao cấp bậc nhất cả nước, ngay giữa trung tâm TPHCM hoa lệ đó, phải nói chỉ đến khi chết, cháu bé mới được chấm dứt chuỗi ngày đớn đau. Cái chết của bé V.A cũng là tiếng kêu khóc về nạn bạo hành trẻ em diễn ra ngay trong các gia đình, giữa những người thân.
Có lẽ chưa một phiên tòa nào mà người dân khắp nơi đổ về tòa đông như vụ án xét xử "cặp đôi" Quỳnh Trang - Kim Thái. Nhiều người thể hiện sự phẫn nộ, đau đớn trước cái chết của một bé gái, muốn nhìn tận mắt hai kẻ ác nhân được gọi là cha, là mẹ.
Thật ra, ngay sau khi sự việc xảy ra, chưa cần tòa phán quyết thì đã có những bản án được đưa ra với cặp đôi này. Đó là bản án của công luận, của đạo đức...
"Dì ghẻ" Quỳnh Trang "xin sống rồi lại đòi chết", vấn đề này đã có luật pháp, tòa án sẽ phán quyết dựa trên hành vi tội phạm của bị cáo. Nhưng theo bà Nguyễn Linh Tâm, chuyên gia tâm lý ở TPHCM, ngoài bản án về luật pháp, các tội phạm, đặc biệt là những hành vi tội phạm độc ác của "dì ghẻ" Quỳnh Trang đều sẽ phải đối mặt với những bản án khác.
Dư luận, điều tiếng là bản án không bao giờ dễ chịu với bất kỳ ai. Dù tinh thần của luật pháp, của xã hội vẫn là bao dung, "không đánh người chạy lại"... nhưng bà Tâm nhận định, dù vô hình, dư luận luôn có những quy luật khắc nghiệt của nó.
Dư luận sẽ không dễ dàng chấp nhận cùng làm việc, tiếp xúc, giao tiếp với những người có hành vi độc ác, tàn nhẫn tận cùng với một đứa trẻ không có khả năng phản kháng, một đứa trẻ bất hạnh sau cuộc ly hôn của bố mẹ.
Chưa hết, bản án của dư luận không chỉ nhắm vào mỗi kẻ tội phạm. Đơn rút kháng cáo của Quỳnh Trang đã thể hiện phần nào trải nghiệm này khi đề cập những áp lực, căng thẳng của dư luận nhắm vào người thân.
"Trên lý thuyết, ai làm nấy chịu nhưng thực tế không như vậy. Ông cha từng đúc kết "đời cha ăn mặn, đời con khát nước" và ngược lại. Tất cả chúng ta đều gây ảnh hưởng, hoặc bị ảnh hưởng từ lối sống, hành vi của người thân", chuyên gia tâm lý Nguyễn Linh Tâm bày tỏ.
Theo bà Tâm, bản án này chính là bài học lớn nhất cho tất cả mỗi người, cho các cô gái trẻ về lối sống, hành vi của mình. Mình không chỉ gây đau thương cho nạn nhân mà còn đưa đến những bị kịch cho chính người thân, gia đình.
Đối với Quỳnh Trang, cô gái trẻ có cả tương lai phía trước nhưng với bản tính độc ác, cô đã tự mình bước vào con đường dẫn đến ngày hôm nay.
Bản án của pháp luật, bản án của dư luận cũng chưa xong. Mỗi người gây tội ác còn phải đối mặt với bản án đáng sợ khác là bản án của lương tâm. Lương tâm sẽ không tha cho hành động độc ác nào, nhất là hành vi táng tận đối với một đứa trẻ như trong vụ việc gây chấn động này.
Bởi vậy, chuyên gia tâm lý này cho rằng, phán quyết Quỳnh Trang "sống" hay "chết" thực chất đã không còn quá quan trọng.
Một nhân vật cần được nhắc đến trong vụ án này là người cha nhẫn tâm Nguyễn Kim Trung Thái. Từ dư luận, đến các luật sư đều đang phản đối án phạt 8 năm tù mà tòa sơ thẩm tuyên phạt với Thái về tội "Hành hạ người khác" và "Che giấu tội phạm". Bản án, hành vi tội phạm này không tương xứng với sự lạnh lùng, tàn ác, đồng lõa, tham gia đánh đập của Thái với đứa trẻ.
Với bé V.A, quãng thời gian sống trong địa ngục, nỗi ám ảnh, sợ hãi không chỉ đến từ bà "mẹ kế" Quỳnh Trang mà còn đến từ sự lạnh lùng, thờ ơ cùng hành vi "đánh ké chửi hôi" của chính bố ruột. Với một đứa trẻ, người ngoài có ác độc đến đâu cũng không đáng sợ bằng cái quay lưng của người ruột thịt...