1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Đắk Nông:

Đến làm thủ tục BHXH một lần, lao động phát hiện bị thiếu số năm đóng

Đặng Dương

(Dân trí) - Hàng trăm lao động ở Đắk Nông đang bị nợ bảo hiểm xã hội, trong đó có người bị nợ từ năm 2013 đến nay. Nhiều người loay hoay không biết đi đâu để đòi quyền lợi.

Doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội, người lao động không biết gặp ai để đòi

Bị "hụt" nhiều năm đóng BHXH

Đã gần 6 năm từ ngày xin nghỉ việc, thế nhưng anh Hà Đình Tý (công nhân đội sản xuất 3, Công ty TNHH MTV Nam Nung, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông) vẫn chưa được giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH). Nhiều năm đi gõ cửa khắp nơi, anh Tý vẫn chưa biết đơn vị sẽ giải quyết quyền lợi.

Năm 2010, anh Tý vào làm việc tại Công ty TNHH MTV Nam Nung (trực thuộc UBND tỉnh Đắk Nông). Đến năm 2011, anh bắt đầu tham gia BHXH. Từ năm 2011- 2015, công ty luôn trích lương hàng tháng của anh để đóng BHXH.

Đến làm thủ tục BHXH một lần, lao động phát hiện bị thiếu số năm đóng - 1

Vợ chồng anh Tý, chị Thủy bị nợ bảo hiểm xã hội nhiều năm nay.

Tuy nhiên, khi đến BHXH huyện Krông Nô để giải quyết chế độ BHXH một lần, anh mới "ngã ngửa" vì Công ty Nam Nung mới đóng BHXH đến hết năm 2012. 

Theo giải thích của lãnh đạo công ty, tình hình tài chính khó khăn nên chưa đóng BHXH mặc dù vẫn trích lại phần tiền đóng BHXH từ lương hàng tháng của anh.

"Trên giấy tờ của Công ty Nam Nung, tôi đã đóng BHXH đủ 5 năm liên tục nhưng theo cơ quan bảo hiểm xã hội, tôi mới chỉ đóng được 2 năm. Bây giờ công ty nợ BHXH, tôi không biết phải gặp ai để đòi quyền lợi", anh Tý cho hay.

Vợ anh Tý - chị Phạm Thị Thủy cũng là nạn nhân của tình trạng trên. Chị không được hưởng chế độ bảo hiểm y tế, thai sản theo quy định. Tháng 4/2021, chị Thủy chấm dứt hợp đồng lao động với Công ty Nam Nung nhưng tới giờ vẫn chưa được nhận trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp.

"Vợ chồng tôi cùng hàng trăm lao động khác chung tình cảnh này nên chỉ biết chờ đợi, chứ nhiều năm nay chúng tôi đã đi khắp nơi để đòi quyền lợi rồi", chị Thủy ngán ngẩm.

Đến làm thủ tục BHXH một lần, lao động phát hiện bị thiếu số năm đóng - 2
Chị Tống Thị Rồi cũng chung tình cảnh nên không thể xin vào làm ở các doanh nghiệp khác.

Chị Tống Thị Rồi, một lao động khác của Công ty Nam Nung, cũng bị nợ BHXH nhiều năm nay. Chị Rồi vào Công ty làm việc từ năm 2008-2015. Nhưng Công ty Nam Nung cũng mới chỉ đóng BHXH cho chị đến hết năm 2012. Đến nay, công ty vẫn nợ BHXH khiến chị không thể xin vào doanh nghiệp khác để làm việc.

"Hàng ngày tôi vẫn nhận khai thác mủ khoán cho công ty. Dù rất muốn tìm một công việc khác để làm nhưng không được vì chưa thể chốt BHXH. Công ty Nam Nung và Bảo hiểm xã hội Krông Nô, chưa biết đơn vị nào sẽ giải quyết cho tôi", chị Rồi nói.

Doanh nghiệp bảo "khó"...

Theo lãnh đạo Công ty TNHH MTV Nam Nung, trong tổng số 300 lao động làm việc tại đây thì có tới 87 cán bộ, nhân viên bị nợ BHXH. Người lao động bị nợ lâu nhất là từ năm 2013 tới nay.

Đến làm thủ tục BHXH một lần, lao động phát hiện bị thiếu số năm đóng - 3

Nhiều lao động tại Công ty TNHH MTV Nam Nung đang bị nợ bảo hiểm xã hội.

Theo ông Võ Công Cường, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Nam Nung, giá mủ cao su xuống thấp, bộ máy hoạt động cồng kềnh, một phần lớn diện tích đang tranh chấp với người dân nên doanh thu không đảm bảo... là nguyên nhân khiến công ty khó khăn và phải nợ đóng BHXH cho người lao động.

"Hiện tại, chúng tôi đang nợ gần 22 tỷ đồng tiền BHXH của người lao động, riêng tiền lãi hàng năm phát sinh khoảng 2 tỷ đồng. Trước mắt, chúng tôi đã xin ý kiến của UBND tỉnh Đắk Nông khoanh vùng nợ để không phát sinh lãi", ông Võ Công Cường cho hay.

Cũng theo ông Cường, hàng năm doanh thu của công ty khoảng 11 tỷ đồng, chỉ  đủ trả lương cho cán bộ, công nhân viên nên việc trả nợ cho BHXH huyện là rất khó. Công ty cố gắng ưu tiên giải quyết chế độ đối với những lao động đã chấm dứt hợp đồng và đảm bảo không bị "đứt gãy" bảo hiểm y tế cho các lao động còn lại.

Đến làm thủ tục BHXH một lần, lao động phát hiện bị thiếu số năm đóng - 4
Công ty TNHH MTV Nam Nung là đơn vị trực thuộc UBND tỉnh Đắk Nông.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Thế Vinh, Giám đốc BHXH huyện Krông Nô đã xác nhận tình trạng nợ đọng BHXH đã kéo dài nhiều năm qua tại Công ty Nam Nung.

Đơn vị liên tục có thông báo, đề nghị công ty hoàn thành nghĩa vụ đầy đủ đối với người lao động, tuy nhiên đến nay công ty Nam Nung vẫn chưa xác nhận thời gian thực hiện. Do đó, BHXH huyện không có căn cứ giải quyết.

"Chúng tôi đã có nhiều văn bản kiến nghị, xin ý kiến giải quyết tình trạng nợ BHXH tại Công ty Nam Nung nhưng đến nay vẫn chưa có biện pháp xử lý hữu hiệu. Để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, bắt buộc Công ty Nam Nung phải trả hết số tiền nợ đọng trước đây", ông Vinh nói.