1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Đề xuất mới giải quyết lương hưu cho lao động trong doanh nghiệp nợ BHXH

Hoa Lê

(Dân trí) - Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi bổ sung cơ chế giải quyết chế độ hưu trí, tử tuất đối với người lao động trong trường hợp người sử dụng lao động không còn khả năng đóng bảo hiểm xã hội.

Cụ thể, với việc giải quyết chế độ hưu trí, tử tuất đối với người lao động trong trường hợp người sử dụng lao động không còn khả năng đóng bảo hiểm xã hội, Chính phủ chú giải, đây là quy định mới được bổ sung trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6.

Nội dung chính sách mới này liên quan đến việc ghi nhận thời gian chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội tồn đọng đến trước ngày dự luật này được Quốc hội thông qua.

Việc này cũng giải quyết tồn tại liên quan đến đơn vị, doanh nghiệp đã phá sản, chủ bỏ trốn ngừng hoạt động mà thiếu tiền đóng bảo hiểm xã hội ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động.

Để đảm bảo tính khả thi, hiệu quả, Chính phủ đề nghị chỉ quy định trong dự luật về nguyên tắc giải quyết, còn lại giao cho Chính phủ quyết định. Nguồn kinh phí thực hiện lấy từ tiền lãi mà người sử dụng lao động phải nộp khi vi phạm chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội.

Đề xuất mới giải quyết lương hưu cho lao động trong doanh nghiệp nợ BHXH - 1

Tăng cường thanh tra với các doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm xã hội (Ảnh: Hà Hiền).

Bên cạnh đó, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi cũng quy định nhiều biện pháp để xử lý việc trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Cụ thể, người vi phạm phải đóng đủ số tiền bảo hiểm xã hội trốn đóng và nộp số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền bảo hiểm xã hội trốn đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội; Xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, dự luật còn quy định trường hợp truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật; Áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh theo quy định của pháp luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam và xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; Không xem xét trao tặng các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng.

Trước đó, về giải quyết quyền lợi của người lao động do doanh nghiệp phá sản, doanh nghiệp có chủ bỏ trốn, theo Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã Hội Đào Ngọc Dung, những trường hợp mới phát sinh được tạm thời ghi nhận khoản đóng bảo hiểm xã hội đến đâu, người lao động hưởng đến đó.

Về phần bảo hiểm xã hội bị nợ khiến người lao động bị ngắt quãng thời gian đóng bảo hiểm, quyền lợi với phần nợ này chưa được ghi nhận.

Để giải quyết vấn đề, Bộ trưởng liên hệ việc Quốc hội từng cho phép xóa nợ thuế. Từ đó, ông cho biết, Bộ LĐ-TB&XH đã đề nghị Bảo hiểm xã hội Việt Nam báo cáo Chính phủ, Quốc hội xóa nợ bảo hiểm xã hội trong trường hợp này, bằng nguồn kết dư của Quỹ bảo hiểm xã hội và các nguồn dự trữ. Hướng giải quyết này nhằm đảm bảo quyền lợi của người lao động.

Theo số liệu của các cơ quan Bảo hiểm xã hội, 206.000 lao động tại các đơn vị sản xuất kinh doanh đã phá sản, giải thể trên cả nước thời gian qua vẫn đang được giải quyết các chế độ theo quy định.

Tính đến tháng 6/2023, 30.241 người lao động đã được hưởng các chế độ gồm hưu trí, tử tuất, bảo hiểm xã hội một lần; 34.575 người lao động đã được xác nhận quá trình đóng đang bảo lưu; 77.627 người lao động đã được xác nhận quá trình đóng, đang tiếp tục tham gia tại đơn vị mới.

Số còn lại nếu đủ điều kiện hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội thì cơ quan Bảo hiểm xã hội sẽ tiếp tục giải quyết nhằm đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho người lao động theo quy định.

Theo đó, cơ quan Bảo hiểm xã hội ghi nhận thời gian người lao động được đóng đến đâu hưởng đến đó và không tính thời gian bị nợ. Sau này, nếu doanh nghiệp đóng số nợ hoặc có nguồn tài chính khác bổ sung thì người lao động tiếp tục được ghi nhận thêm.