1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Đề xuất giảm bậc tính thuế thu nhập cá nhân với người làm công

Tùng Nguyên

(Dân trí) - Khi sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân, Bộ Tư pháp đề xuất nghiên cứu điều chỉnh biểu thuế lũy tiến áp dụng đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công theo hướng giảm từ 7 bậc xuống 5 bậc thuế.

Đề xuất giảm bậc tính thuế thu nhập cá nhân với người làm công - 1

Hiện biểu thuế lũy tiến gồm 7 bậc với các mức thuế suất từ 5% đến 35% (Ảnh minh họa: Mạnh Quân).

Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) được ban hành từ năm 2007, có hiệu lực từ ngày 1/1/2009 (được sửa đổi, bổ sung 2 lần vào năm 2012 và năm 2014). Hiện nay, Bộ Tư pháp đang lấy ý kiến của các bộ ngành liên quan để tiến hành sửa đổi, bổ sung trong thời gian tới.

Theo tổng hợp kết quả nghiên cứu, rà soát của Bộ Tư pháp, hiện Luật TNCN có 13 điều không phát sinh vướng mắc và vẫn kế thừa thực hiện; có 22 điều cần nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung.

Một trong những đề xuất điều chỉnh quan trọng, liên quan đến quyền lợi của người lao động làm công ăn lương là đề xuất điều chỉnh các mức thuế suất tại Biểu thuế lũy tiến từng phần áp dụng đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công.

Hiện biểu thuế lũy tiến từng phần áp dụng đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công quy định tại Khoản 2 Điều 22 Luật thuế TNCN gồm 7 bậc với các mức thuế suất từ 5% đến 35%.

Đề xuất giảm bậc tính thuế thu nhập cá nhân với người làm công - 2

Biểu thuế lũy tiến từng phần áp dụng đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công (Ảnh chụp màn hình: Tùng Nguyên).

Theo Bộ Tư pháp, qua quá trình thực tế thực hiện, có quan điểm cho rằng biểu thuế lũy tiến hiện hành có quá nhiều bậc, giãn cách giữa các bậc quá hẹp. Biểu thuế như vậy dễ dẫn đến nhảy bậc thuế khi tổng hợp thu nhập vào cuối năm làm tăng số thuế phải nộp, số lượng phải quyết toán thuế tăng một cách không cần thiết trong khi số thuế phải nộp thêm không nhiều.

Do đó, Việt Nam có thể nghiên cứu để cắt giảm số bậc từ 7 bậc xuống 5 bậc thuế; cùng với việc xem xét nới rộng khoảng cách thu nhập trong các bậc thuế, đảm bảo điều tiết ở mức cao hơn vào những người có thu nhập ở bậc thuế cao.

Theo Bộ Tư pháp, nếu sửa đổi biểu thuế lũy tiến theo hướng này sẽ góp phần đơn giản hóa, giảm số bậc thuế nhằm tạo thuận lợi cho công tác kê khai, nộp thuế.

Cùng với việc thu hẹp dần số lượng thuế suất, có thể xem xét điều chỉnh độ giãn cách giữa các bậc thuế cho phù hợp với những thay đổi gần đây về mức sống dân cư.

Nghiên cứu đánh giá tác động cho thấy, việc sửa đổi biểu thuế TNCN theo hướng này đảm bảo phù hợp với bối cảnh kinh tế - xã hội, thu nhập và mức sống của người dân; phù hợp với thông lệ quốc tế, đặc biệt là với các nước có điều kiện tương đồng và quan hệ đầu tư, thương mại chặt chẽ với Việt Nam, vừa đảm bảo quyền lợi của người lao động.

Việc điều chỉnh này cũng khuyến khích người dân nỗ lực lao động, nâng cao tính cạnh tranh của nền kinh tế trong việc thu hút những chuyên gia, lao động có tay nghề cao của nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam.

Việc thu hẹp số lượng bậc thuế còn góp phần đơn giản hóa công tác quản lý, thu thuế, tạo thuận lợi cho việc kê khai, tính thuế và phù hợp với xu hướng cải cách thuế TNCN trên thế giới.

Trong một nghiên cứu gần đây, Ngân hàng Thế giới cho rằng việc cắt giảm số bậc từ 7 bậc xuống 5 bậc là phù hợp với xu thế thế giới để cải thiện quản lý và tuân thủ thuế.

Qua rà soát kinh nghiệm quốc tế, việc áp dụng thu thuế TNCN theo các mức thuế suất lũy tiến từng phần là chính sách được áp dụng phổ biến ở nhiều nước trên thế giới.

Tuy cách thức và phương thức thiết kế biểu thuế các nước khác nhau nhưng hầu hết đều áp dụng biểu thuế suất lũy tiến khi tính thuế TNCN đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công nhằm mục tiêu điều tiết thu nhập. Những cá nhân có mức thu nhập cao hơn thì bị đánh thuế cao hơn so với những cá nhân có mức thu nhập thấp hơn.

Đề xuất giảm bậc tính thuế thu nhập cá nhân với người làm công - 3

Cơ cấu biểu thuế suất thuế TNCN năm 2022 một số nước trong khu vực (Ảnh chụp màn hình: Tùng Nguyên).

Một số quốc gia trước đây dùng thuế suất cố định thì nay cũng đã chuyển dần sang cách đánh thuế lũy tiến, chủ yếu là các nước Đông Âu như Nga (2021), Cộng hòa Séc (2021), Latvia (2018), Lithuania (2019).

Theo tờ trình của Chính phủ về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024; điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, Chính phủ đề xuất xây dựng Luật Thuế thu nhập cá nhân (sửa đổi) và đề nghị đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2025), thông qua tại Kỳ họp thứ 11 (tháng 5/2026).