Đắk Lắk: Khách quan, công tâm trong quá trình rà soát hộ nghèo, cận nghèo
(Dân trí) - Không để xảy ra tình trạng xác định không đúng hộ nghèo, hộ cận nghèo để được hưởng các chính sách hỗ trợ của nhà nước, ngành LĐ-TB&XH Đắk Lắk đang phối hợp với chính quyền địa phương quyết liệt, kỹ càng trong công tác rà soát.
Công tác rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đang được khẩn trương triển khai từ các địa phương, đảm bảo theo đúng quy trình 7 bước, chính xác, khách quan, công khai, dân chủ, có ý kiến tham gia của người dân về kết quả rà soát.
Các buổi tập huấn nghiệp vụ rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo đã được Sở LĐ-TB&XH tổ chức cho cán bộ, nhân viên Phòng LĐ-TB&XH, các điều tra viên. Các đoàn kiểm tra, phúc tra, hướng dẫn, giải đáp vướng mắc cho các địa phương cũng được thành lập để kịp thời giải đáp những vướng mắc, tồn đọng tại các địa phương.
Các bước rà soát bao gồm: xác định, lập danh sách các hộ gia đình cần rà soát; rà soát, lập danh sách phân loại hộ gia đình; tổ chức họp dân thống nhất kết quả rà soát; niêm yết công khai danh sách; báo cáo, xin ý kiến thẩm định của UBND cấp huyện; công nhận danh sách; báo cáo và lưu trữ hồ sơ.
Theo bà H'Blen Byă - Buôn trưởng buôn Ko Đung A, xã Ea Nuôl (huyện Buôn Đôn), trước khi thực hiện công tác rà soát hộ nghèo và hộ cận nghèo, Ban tự quản buôn đã họp các hộ dân thông báo quy trình và các tiêu chí rà soát.
"Ban tự quản buôn đi rà soát, chấm điểm từng nhà để xác định thật chính xác các hộ nghèo, cận nghèo trong buôn, có thêm ý kiến của người dân nên rất được ủng hộ", bà H'Blen chia sẻ.
Được biết, việc áp dụng 7 bước rà soát hộ nghèo cũng gặp không ít khó khăn bởi số hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn tỉnh rất lớn. Nhiều hộ nằm rải rác, phân bố ở vùng sâu vùng xa đi lại rất khó khăn. Do vậy, cán bộ, điều tra viên đóng một vai trò quan trọng trong suốt quá trình rà soát.
Ông Lê Quang Tâng (ngụ thị trấn Ea Pốk, huyện Cư M'gar) cho biết, khi cán bộ đến nhà để rà soát chấm điểm hộ cận nghèo, ông cùng gia đình đã chủ động cung cấp các thông tin thu nhập của gia đình để có sự đánh giá khách quan nhất. "Đánh giá hộ nghèo, cận nghèo cần công bằng với tất cả người dân, chúng tôi đều phản ánh một cách trung thực để việc rà soát đúng theo quy định", ông Tâng cho hay.
Thông qua công tác điều tra, rà soát hộ nghèo và hộ cận nghèo, ngành LĐ-TB&XH sẽ đánh giá được những nguồn lực, cách thức hỗ trợ hiệu quả để người nghèo thoát nghèo, có kinh nghiệm trong công tác giảm nghèo ở giai đoạn tiếp theo.
Ông Trần Phú Hùng - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Đắk Lắk, nhận định trong năm 2020 có những yếu tố không thuận lợi đặc biệt là dịch Covid-19 ảnh hưởng đến thế giới và Việt Nam, tình hình thiên tai bão lũ đã xảy ra tại một số nơi của tỉnh nên cũng ảnh hưởng đến công tác giảm nghèo.
"Dù khó khăn nhưng với quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Sở đã phối hợp với các Sở ban ngành liên quan cùng địa phương triển khai thực hiện công tác an sinh xã hội và công tác giảm nghèo. Dự kiến năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo trên toàn tỉnh có thể giảm được 4,36%, tức là còn lại 4,97% trên địa bàn, tỷ lệ hộ nghèo của người dân tộc thiểu số xuống còn 12,43%, giảm xuống 6,5%", ông Hùng cho hay.
Cũng theo Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Đắk Lắk để quá trình rà soát chính xác các đối tượng, các cán bộ lẫn người dân phải công tâm khách quan trong quá trình rà soát. Trong đó, ý kiến của nhân dân đóng vai trò rất quan trọng để xác định được hộ nghèo, hộ cận nghèo vừa thể hiện được tính dân chủ, minh bạch.