1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Đà Nẵng: Người lao động vui mừng trở lại công việc sau cách ly xã hội

Khánh Hồng

(Dân trí) - Sau chuỗi ngày dài cách ly xã hội vì dịch Covid-19, nhiều người lao động ở Đà Nẵng đã trở lại với công việc hàng ngày của mình. Ai cũng vui mừng và sớm mong hết dịch để ổn định cuộc sống.

Người lao động vui mừng trở lại với công việc hàng ngày sau cách ly xã hội

Chờ ngày “được bán lại” đã lâu

Từ 0h ngày 11/9, Đà Nẵng tiếp tục chuyển đổi trạng thái áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó, Đà Nẵng nới lỏng quy định không được tập trung quá 30 người tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện thay vì 20 người như những ngày vừa qua.

Phần lớn các hoạt động kinh doanh, buôn bán đã được hoạt động. Vì vậy, người lao động cũng được trở lại với công việc hàng ngày.

Đà Nẵng: Người lao động vui mừng trở lại công việc sau cách ly xã hội - 1

Đà Nẵng cho phép các cửa hàng, cơ sở kinh doanh ăn uống được hoạt động trở lại khiến nhiều lao động vui mừng vì có việc làm

Biết thông tin vào cuối giờ chiều ngày 10/9, chị Trần Thị Thu (quê Quảng Nam) vội sắp xếp đồ đạc ra Đà Nẵng để sáng hôm kịp đi bán buổi đầu tiên.

Chị Thu đạp xe bán hàng rong các loại trái cây, khoai lang trên các tuyến phố của Đà Nẵng.

Đợt dịch vừa rồi, Đà Nẵng tạm dừng các hoạt động kinh doanh, buôn bán, chị Thu phải về quê đến nay mới có dịp đi bán lại.

“Được đi bán lại, tôi mừng quá. Đi bán kiếm đồng bạc vô ra chứ ở nhà lấy chi mà ăn. Thời gian qua, ngày nào cũng mong đến ngày được đi bán lại”, chị Thu chia sẻ.

Cùng niềm vui, cô Lê Thị Thúy (trú phường An Hải Đông, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) - bán vé số trên đường Yên Bái cũng cho biết, mong được đi bán lại từng ngày.

Đà Nẵng: Người lao động vui mừng trở lại công việc sau cách ly xã hội - 2

Chị Nguyễn Thị Thu từ Quảng Nam ra Đà Nẵng đi bán hàng rong. Công việc của chị bị gián đoạn 45 ngày do dịch Covid-19, đến nay mới được đi bán trở lại

Theo cô Thúy, chồng cô bị tai biến nằm một chỗ, thời gian qua do dịch Covid-19 nên cô không thể đi bán vé số khiến cuộc sống gia đình gặp nhiều khó khăn.

“Mặc dù khách mua số vé không nhiều như trước dịch nhưng cũng kiếm được đôi đồng trang trải cuộc sống. Vì vậy, được đi bán lại ai cũng mừng cả”, cho Thúy nói và cho biết, trước dịch mỗi ngày cô bán được khoảng 150 vé nhưng nay chỉ bán được được 100 vé/ngày. Nguyên nhân là do người dân không đi làm được, không kiếm ra tiền để mua vé số.

Vẫn còn nhiều khó khăn

Chiều 10/9, sau khi có thông tin các cơ sở kinh doanh ăn uống được mở cửa trở lại từ 0h ngày 11/9, anh Phạm Hùng (chủ quán cà phê trên đường Phan Đình Phùng) cho nhân viên lau dọn quán, chuẩn bị nguyên liệu để mở quán phục vụ khách.

“Cảm giác của tôi sau chuỗi ngày dài chờ đợi, hôm nay quán đã được mở cửa bán lại là rất vui. Không những bản thân mình có công việc mà nhân viên cũng có công việc để làm. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn trước mắt”, anh Hùng chia sẻ.

Đà Nẵng: Người lao động vui mừng trở lại công việc sau cách ly xã hội - 3

Những người bán vé số cũng đã được đi bán trở lại sau thời gian nghỉ dịch dài

Theo anh Hùng, sau đợt dịch này, thói quen của người dân cũng thay đổi, nhiều người chọn uống cà phê ở nhà thay vì ra quán bởi tâm lý còn e ngại dịch bệnh. Thêm vào đó, do ảnh hưởng của dịch, người dân không có thu nhập nên chi tiêu cũng tiết kiệm hơn.

Ngày đầu các quán xá được hoạt động trở lại phục vụ tại chỗ nhưng quán của anh Hùng rất vắng khách, cả buổi sáng chỉ có vài ba bàn.

Đoán trước được tình hình, anh Hùng cũng chỉ tuyển 5 nhân viên làm cả ngày thay vì 15 nhân viên làm 3 ca như trước đây.

Đà Nẵng: Người lao động vui mừng trở lại công việc sau cách ly xã hội - 4

Mặc dù đã được buôn bán trở lại nhưng công việc làm ăn còn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19

Đợt dịch này, anh Hùng cũng phải trả mặt bằng hai cửa hàng bán ốp lưng điện thoại vì không có khách.

Chị Nguyễn Phương Thúy - bán bún ăn sáng trên đường Yên Thế cũng cho biết, mặc dù đã được bán phục vụ tại chỗ nhưng khách hàng ghé vào quán ăn vẫn không nhiều như trước đây.

“Có lẽ một phần do người dân còn tâm lý e ngại chỗ đông người, một phần do ảnh hưởng của dịch người dân không có thu nhập nên không đi ăn quán nhiều”, chị Thúy cho hay.