1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Cục Trẻ em lên tiếng về vụ đổ tường làm 4 trẻ em thương vong tại Đắk Lắk

Phạm Công

(Dân trí) - Liên quan đến vụ sập tường khiến 4 cháu nhỏ thương vong ở Đắk Lắk, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em cho rằng trách nhiệm lớn nhất thuộc về gia đình khi không giám sát các em chơi ở khu vực nguy hiểm.

Trước đó, vào khoảng 15h30 ngày 18/5, cháu T. (6 tuổi), D.H (5 tuổi) và cháu D.M (7 tuổi) bế theo em nhỏ là cháu G.N (8 tháng tuổi) ra khu vực lò gạch thuộc xã Ea Yiêng (Krông Pắc, Đắk Lắk) để chơi. Trong lúc này, một bức tường ở lò gạch đổ sập xuống đè lên 4 trẻ.

Nghe tiếng động lớn, nhiều người dân xung quanh chạy tới phát hiện sự việc và vội đưa 4 nạn nhân đi cấp cứu. Do thương tích nặng, cháu bé 8 tháng tuổi đã tử vong, 3 cháu còn lại được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên để điều trị.

Cục Trẻ em lên tiếng về vụ đổ tường làm 4 trẻ em thương vong tại Đắk Lắk - 1

Vụ tai nạn khiến một bé 8 tháng tuổi tử vong (ảnh Thúy Diễm).

Trao đổi về vấn đề này, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) bà Nguyễn Thị Kim Hoa, cho biết: "Đây là vụ tai nạn rất thương tâm, trách nhiệm lớn nhất thuộc về gia đình các em. Đối với lứa tuổi nhỏ như vậy, để các em chơi ở khu vực nguy hiểm như lò gạch mà không có người lớn trông giữ, giám sát đã dẫn đến tai nạn rất đáng tiếc".

Ngay sau khi vụ việc xảy ra, Cục Trẻ em đã chỉ đạo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đắk Lắk phối hợp với công an huyện Krông Pắc vào cuộc điều tra tìm hiểu nguyên nhân, sai phạm đến đâu thì xử lý các cá nhân, tập thể có liên quan đến đó. Đồng thời, tổ chức thăm hỏi và động viên gia đình và các em nhỏ trong vụ tai nạn.

Theo bà Nguyễn Thị Kim Hoa, tai nạn thương tích ở trẻ em có nhiều loại, như: Tai nạn đuối nước, tai nạn giao thông, tai nạn ngã, vật trên cao đổ vào người gây thương tích. Lãnh đạo Cục Trẻ em đã có các văn bản chỉ đạo nhắc nhở các địa phương triển khai tốt vấn đề thực hiện các quy định theo Chỉ thị số 23/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ trong phòng chống tai nạn thương tích, phòng chống đuối nước đối với trẻ em.

Để giảm thiểu những tai nạn thương tâm không đáng có, bà Nguyễn Thị Kim Hoa cho biết: "Cục Trẻ em cũng đã chỉ đạo địa phương rà soát các nguy cơ gây tai nạn thương tích cho trẻ để loại bỏ và xây dựng môi trường an toàn, ngôi nhà an toàn cho trẻ. Ngoài ra, các địa phương triển khai các kiến thức, kỹ năng, phòng ngừa tai nạn thương tích nói chung, đặc biệt là các nguy cơ có thể gây tử vong cho trẻ em".

Đồng thời, Cục Trẻ em đang xây dựng chương trình phòng, chống tai nạn thương tích giai đoạn 2021 - 2030 trình Thủ tướng Chính phủ. Chương trình này sẽ nêu cao vai trò của địa phương trong việc quan tâm, chỉ đạo đến cơ sở, cộng đồng về phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em; phát hiện kịp thời các nguy cơ gây tai nạn thương tích; trường hợp nghiêm trọng thì cần có giải pháp kịp thời tránh tình trạng để xảy ra những vụ việc đáng tiếc.