Cụ ông 111 tuổi vẫn ăn hết cả chiếc bánh chưng, luôn hành động lạ
(Dân trí) - "Bao năm qua, cứ hết mùa hè hay mùa đông là cụ gói quần áo vứt xuống sông. Cụ bảo, không dùng nữa, giữ lại làm gì", bà Võ Thị Bính, con dâu cụ Trần Văn Côi kể.
Ông Chu Văn Du - Chủ tịch Hội người cao tuổi xã Nghi Quang, huyện Nghi Lộc, Nghệ An) - cho biết: "Năm nay, cụ Trần Văn Côi (trú xóm Trung Tiến, xã Nghi Quang) bước sang tuổi 111, là người cao tuổi nhất xã. Cụ Côi vẫn tự chống gậy đến trụ sở Ủy ban xã nhận Bằng mừng thọ của Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An hôm mùng 4 Tết vừa rồi".
Trong căn nhà khang trang, bao quanh bởi hai cái ao và vườn rau của gia đình người con trai út, cụ Côi (còn gọi là cụ Phương theo tên người con gái đầu) lên tiếng hỏi người chắt nội về những vị khách tới thăm.
Bước sang tuổi 111, tai cụ Côi cũng đã nghễnh ngãng đi nhiều, vận động chậm chạp nhưng cụ vẫn rất minh mẫn. Khuôn mặt cụ phương phi, da hồng hào, đôi tai rộng, răng đã rụng hết nhưng đôi mắt vẫn còn nhìn khá rõ. Điều đặc biệt, cụ có bàn tay và bàn chân rất to, thường phải đi dép ngoại cỡ.
"Hồi trên 90 tuổi cụ vẫn hái rau, bỏ lên xe đạp, đẩy ra chợ bán. Cụ ham mê lao động lắm, con cháu can ngăn cụ không ưng, cứ một hai đòi làm.
Năm 2016, trong một lần chở rau đi chợ, cụ bị tai nạn gãy xương, từ đó đi lại khó khăn. Dù phải chống gậy nhưng cụ vẫn tự đi lại, tự phục vụ bản thân, ít phiền đến con cháu", bà Võ Thị Bính (53 tuổi, con dâu út cụ Côi) cho biết.
Theo bà Bính, cụ Côi vốn mồ côi cha mẹ từ nhỏ. Vợ chồng cụ sinh được 8 người con nhưng nuôi 7 người. Vợ và 3 người con trai cùng một người con gái đã qua đời, cụ sống với con dâu út và cháu nội. Tính tới thời điểm này, cụ Côi có tất cả 29 người cháu, 73 chắt và 3 chút.
Cụ sống vui vẻ với con cháu, không đòi hỏi ăn uống gì đặc biệt. Cụ thích ăn cơm cá, phải là cá biển kho mặn ngọt, ít ăn thịt và canh, rau. Dù đã rụng hết răng nhưng cụ vẫn tự nhai được cơm.
"Mấy hôm Tết, có bữa mình cụ ăn hết chiếc bánh chưng loại vừa hoặc 4 lát bánh tét. Nay cụ thích ăn mì tôm hoặc ngô hầm hơn", bà Bính chia sẻ.
Nói về bí quyết sống thọ, cụ ông 111 tuổi chỉ cười móm mém: "Cũng không biết răng (sao) mãi chưa chết. Chuẩn bị 2 cái hòm, bà ấy (vợ cụ Côi) dùng 1 cái rồi, còn cái nữa của tôi, chưa phải dùng đến...".
Theo lời bà Bính, cụ Côi luôn trong tâm thế sẵn sàng chuẩn bị... chết. Nhiều năm trở lại đây, cứ hết mùa đông hay hết mùa hè, cụ lại gói ghém quần áo của mình, mò mẫm ra con sông gần nhà để vứt.
"Hỏi thì cụ bảo, vứt đi, năm sau còn sống nữa đâu mà dùng. Riêng chăn đệm mùa đông, cụ vứt bỏ 3 lần rồi, còn quần áo bao năm qua, cứ hết mùa l vứt, con cháu ngăn không được. Giờ già rồi không tự đi vứt được thì cụ lại gói rồi bảo cháu bỏ đi", bà Bính kể.
Nghe con dâu "kể tội", ông cụ cười móm mém. Thậm chí khi bị gán ghép với một cụ bà cao niên cùng tuổi, cụ Côi liên tục xua tay: "Bậy, nói bậy" rồi đánh yêu con dâu vì... đùa dai.
Trước đây, cụ Côi nửa thế kỷ uống thuốc chữa dạ dày, tá tràng, đến nỗi dụng cụ sắc thuốc chưa bao giờ rời khỏi bếp.
Cụ cũng có thời gian dài uống rượu. Thời điểm uống rượu, cụ có phần khó tính, hay gắt gỏng. Tuy nhiên, những năm gần đây, cụ hoàn toàn không đụng vào giọt rượu nào, cũng hiếm khi phải dùng đến thuốc. Gần đây, da đầu và tay bị ngứa nên cụ luôn chuẩn bị sẵn một túyp thuốc mỡ để tự bôi cho mình.
"Ở tuổi 111, cụ vẫn khỏe mạnh và minh mẫn, là phúc phận của gia đình, con cháu. Chúng tôi luôn cố gắng để cụ được sống một cách vui vẻ nhất", bà Bính chia sẻ.
Theo người con dâu út, có lẽ sống vui vẻ và thích lao động là bí quyết để cụ vượt ngưỡng "bách niên giai lão".