Cần Thơ:
Giá xăng đắt ngang tô phở, shipper tìm thêm nghề tay trái
(Dân trí) - Giá xăng, dầu tiến sát 30.000 đồng/lít khiến tài xế xe công nghệ, shipper gặp khó. Đơn hàng nhiều hơn nhưng thu nhập của các shipper không thể tăng tương ứng do chi phí đầu vào tăng mạnh.
Những ngày qua, giá xăng dầu tăng liên tục và đạt kỷ lục trong 8 năm trở lại đây (kể từ năm 2014). Ngoài việc kéo giá các mặt hàng thiết yếu như sữa, gạo, thực phẩm, đồ gia dụng. Tăng theo, xăng dầu tăng giá còn tác động trực tiếp đến đời sống của người dân và cả những tài xế xe ôm công nghệ, shipper (người giao hàng).
Theo ghi nhận của PV Dân trí, giá xăng liên tục lập đỉnh, trong khi nhu cầu đi lại và đặt thức ăn mang về giảm mạnh. Điều này khiến nhiều người làm nghề xe ôm công nghệ, shipper ở Cần Thơ đều lắc đầu ngao ngán. Nhiều tài xế còn tìm thêm công việc tay trái như bảo vệ, bán hàng online, lái taxi... để có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống.
Chạy được 2 chuyến giao thức ăn, bạn Bùi Quang Nhiều (19 tuổi, shipper) tấp xe vào trước cổng trường Đại học Cần Thơ (quận Ninh Kiều) đợi đơn hàng kế tiếp. Nhiều cho biết, mấy ngày qua xăng liên tục tăng giá nhưng phí giao hàng vẫn giữ mức cũ khiến thu nhập của người giao hàng giảm sút đáng kể.
"Ngày thường, tôi chạy khoảng 20-30 đơn, trừ hết chi phí kiếm được từ 400.000 đồng. Từ lúc xăng lên giá đến giờ chạy chừng 300.000 đồng trở lại thôi", Nhiều tâm sự.
Cũng theo shipper Nhiều, giá xăng tăng ảnh hưởng nhiều đến thu nhập, khiến việc cân bằng chi tiêu trong gia đình chàng trai phải tính toán lại.
Cùng cảnh ngộ với Nhiều, shipper anh Lâm Thanh Trung (26 tuổi, ở quận Ninh Kiều, Cần Thơ) buồn rầu chia sẻ, xăng tăng, giá gas tăng, vật giá tăng nhưng thu nhập lại giảm sút. Nếu trước đây đổ đầy bình xăng tốn khoảng 100.000 đồng, anh Trung có thể chạy được hơn 2 ngày nhưng giờ trong vòng một ngày là hết sạch, hôm nào giao hàng nhiều đôi khi còn bị thiếu.
"Ban ngày tôi giao đồ ăn, tối đến phải làm thêm bảo vệ mới đủ sống chứ làm shipper giờ kiếm được chừng 150.000-200.000 đồng/ngày thì ít lắm, không đủ trang trải đâu", anh Trung bộc bạch.
Khác với Nhiều và Trung, anh Phạm Hoàng Vĩnh (43 tuổi, tài xế xe ôm công nghệ) lận đận hơn rất nhiều vì phải gồng gánh lo cho vợ con. Mấy năm trước anh Vĩnh lên TPHCM chạy taxi kiếm sống, dịch bệnh bùng phát anh cùng vợ con "khăn gói" về quê vợ ở tỉnh Hậu Giang. Trải qua một trận đại dịch kinh hoàng anh không còn tha thiết chuyện rời quê lên thành phố đổi đời nữa.
"Nhà cách Cần Thơ đi và về cũng khoảng 30 km, tôi quyết định đăng ký chạy xe ôm công nghệ để có tiền lo cho gia đình. Mới chạy được 3 tuần thôi, còn đang trong lúc thử việc nên thu nhập thấp lắm.
Mỗi ngày tôi chạy được 5-6 cuốc xe nhưng chi phí rót vào xăng xe luôn cao hơn, giờ xăng chạm ngưỡng 30.000 đồng/lít nên tốn kém hơn nhiều. Xăng xe là nhiên liệu bắt buộc phải chi nên không thể tiết kiệm được. Lượng khách ít quá mấy ngày nay tôi toàn bị lỗ ", anh Vĩnh buồn bã nói.
Anh tài xế hy vọng giá xăng dầu được điều chỉnh lại để những anh em tài xế xe công nghệ có thể yên tâm tiếp tục bám nghề. Nếu giá nhiên liệu tiếp tục leo thang, anh không đủ khả năng trụ nổi nữa đành phải tìm công việc khác.
Sau Tết Nguyên đán, giá xăng, dầu liên tiếp tăng trở thành gánh nặng của người dân và cả doanh nghiệp sản xuất.
Liên Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, từ chiều 11/3 giá bán lẻ xăng dầu sẽ được điều chỉnh. Mức tăng lần này đúng như dự báo, rất mạnh, từ gần 3.000 đến gần 4.000 đồng/lít, tùy loại.
Cụ thể, xăng E5 RON 92 tăng 2.910 đồng/lít; xăng RON 95 cũng tăng 2.990 đồng/lít. Giá các loại dầu lần lượt tăng, trong đó giá dầu diesel tăng 3.950 đồng/lít, dầu hỏa tăng 3.940 đồng/lít còn dầu mazut tăng 2.520 đồng/kg.
Sau điều chỉnh, xăng E5 RON 92 có giá bán tối đa là 28.980 đồng/lít; RON 95 là 29.820 đồng/lít; dầu diesel 25.260 đồng/lít, dầu hỏa 23.910 đồng/lít; dầu mazut 20.980 đồng/kg. Như vậy, thị trường xăng, dầu đã có 7 lần liên tiếp tăng giá.