Công nhân cầm cố sổ bảo hiểm xã hội, sao ngăn việc mua bán "lúa non"?

Lê Hoa

(Dân trí) - Góp ý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, nhiều đơn vị cho rằng cần bổ sung quy định nghiêm cấm hành vi cầm cố, mua bán sổ bảo hiểm xã hội.

Sổ bảo hiểm xã hội là một hình thức dùng để ghi nhận quá trình đóng bảo hiểm cho người lao động. Trên cơ sở ghi nhận đó, cơ quan Bảo hiểm xã hội sẽ giải quyết các chế độ trực tiếp cho người tham gia hoặc thân nhân của họ (trường hợp tử tuất) khi đủ điều kiện.

Sổ bảo hiểm xã hội không phải là một loại tài sản để cầm cố, thế chấp, chuyển nhượng. Vì thế, không có ngân hàng, công ty tài chính nào cho công nhân thế chấp sổ bảo hiểm để vay tiền.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Long An, Bắc Giang, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Bảo hiểm xã hội Hà Nội đề nghị bổ sung quy định: "Nghiêm cấm hành vi cầm cố, mua bán sổ bảo hiểm xã hội; hành vi mượn hồ sơ, giấy tờ của người khác để tham gia quan hệ lao động và tham gia bảo hiểm xã hội".

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Long An, thực tế hiện nay, có tình trạng thu gom, mua bán, cầm cố sổ bảo hiểm xã hội với giá thấp hơn rất nhiều so với giá trị được thanh toán bảo hiểm xã hội một lần.

Dưới hình thức ủy quyền làm thủ tục đề nghị giải quyết hưởng Bảo hiểm xã hội một lần để thực hiện việc mua bán "lúa non" nói trên. Điều này dẫn đến quyền lợi của người lao động bị ảnh hưởng. Thực sự đã phát sinh những vụ tranh chấp dân sự, khiếu nại, tố cáo trong việc cho vay, cầm cố,… 

Công nhân cầm cố sổ bảo hiểm xã hội, sao ngăn việc mua bán lúa non? - 1

Người dân giải quyết các thủ tục liên quan đến bảo hiểm xã hội.

Theo Tập đoàn Điện lực, một số doanh nghiệp khi tuyển lao động chỉ tuyển người dưới 30 tuổi, phải có bằng tốt nghiệp PTTH… dẫn đến người lao động mượn hồ sơ, giấy tờ của người khác để tham gia quan hệ lao động và tham gia bảo hiểm xã hội.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Giang cho rằng, thực tế hiện nay, nhiều trường hợp người lao động cầm cố, mua bán sổ bảo hiểm xã hội nhưng cơ quan Bảo hiểm xã hội không có căn cứ để giải quyết. Chính vì vậy, đơn vị này đề nghị bổ sung quy định luật hóa nghiêm cấm hành vi mua bán sổ bảo hiểm.

Từ thực trạng mua bán sổ bảo hiểm xã hội diễn ra trong thời gian qua, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, Chính phủ đã có chỉ đạo tại văn bản số 2858/VPCP-NC ngày 12/4/2020 về việc thông tin báo chí phản ánh việc nhiều đối tượng thu gom, mua bán sổ bảo hiểm xã hội nhằm trục lợi.

Chính vì vậy, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi cần thiết phải bổ sung quy định nghiêm cấm việc cầm cố, mua bán sổ bảo hiểm xã hội.

Trước đó, cơ quan Bảo hiểm xã hội thừa nhận tình trạng mua bán sổ bảo hiểm xã hội đã diễn ra từ lâu. Nguyên nhân chính của tình trạng này là khi người lao động được trả sổ bảo hiểm xã hội và cần một khoản tiền mà chưa biết vay mượn ở đâu. Trong khi theo quy định hiện hành, phải sau một năm kể từ ngày nghỉ việc, họ mới có quyền đi đăng ký để hưởng bảo hiểm xã hội một lần.

Nhiều cơ quan bảo hiểm xã hội các địa phương đã có văn bản gửi hệ thống cấp dưới yêu cầu khi phát hiện một người nhận ủy quyền của hai người trở lên làm thủ tục để hưởng bảo hiểm xã hội một lần, thì phải kiểm tra lại xem đó có phải là mua bán sổ bảo hiểm không.

Nếu phát hiện trường hợp mua bán sổ bảo hiểm xã hội theo hình thức người bán ủy quyền cho người mua nhận BHXH một lần thì sẽ từ chối giải quyết. Thực tế, Bảo hiểm xã hội TPHCM từng từ chối chi trả chế độ bảo hiểm xã hội một lần cho người nhận ủy quyền cùng lúc của 10 người khác.