Con gái muốn tố cáo, ly hôn chồng bạo hành, mẹ đẻ đòi... chết
(Dân trí) - Sau lần bỏ về ngoại vì bị chồng đánh đến nhập viện, chị Trinh chọn cách im lặng, quyết không bao giờ hé lộ việc mình bị chồng bạo hành với bất kỳ ai.
50% phụ nữ tại Việt Nam bị bạo lực chưa từng kể với ai việc mình bị bạo lực và 90,4% cho biết chưa từng tìm kiếm sự hỗ trợ nào từ cơ quan chức năng hay đơn vị cung cấp dịch vụ. Phía sau các con số từ nghiên cứu quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ năm 2019 nói trên, không ít câu chuyện về những người "chỉ biết câm nín chịu đòn".
Chị Nguyễn Thị Trinh, 35 tuổi, đang sống ở TPHCM là một trong những phụ nữ bị bạo hành, chọn cách "câm nín" như thế. Thật ra, đã có một lần chị bỏ về nhà bố mẹ đẻ cầu cứu, nhưng từ sau đó, chị càng im lặng.
Chị Trinh có công việc ổn định, cùng chồng trang trải cuộc sống nhưng ông xã vẫn thường xuyên chê bai, mắng chị là loại ngu dốt, không làm chồng nở mày nở mặt, không làm được gì cho nhà chồng...
Chị sợ nhất quanh mình xuất hiện những phụ nữ vừa khéo chăm con, vừa tài chiều chồng lại giỏi kiếm tiền. Kiểu gì, chồng chị cũng mỉa mai: "Cô nhìn người này, người nọ!". Mọi nỗ lực của chị không những không được chồng ghi nhận mà còn chê bai, kinh thường một cách thậm tệ.
Đến khi chị sinh bé hai, là con gái, mọi thứ tệ hại hơn. Chồng chị thường xuyên than thở bản thân, gia đình vô phúc mới vớ phải cô. Việc bạo hành tinh thần đến thể chất từ người chồng không có điểm dừng, ngày càng leo thang.
Chị Trinh không thể nào lý giải nổi vì sao mình không dám kể với ai chuyện bị chồng đánh. Có một điều gì đó vô hình ngăn chị lại, đó như là một bí mật chị không muốn ai hay, ai biết, kể với cả hai con. Nhưng dường như chị càng muốn làm ngơ thì chồng càng làm tới...
Cách đây gần hai năm, chỉ vì cãi vã chuyện kèm con học mà người chồng cao gần 1m8 kéo tóc chị vào nhà tắm đánh, đấm. Anh ta xả hết các vòi nước để át tiếng kêu khóc của hai con đang đập cửa bên ngoài. Một tay giật tóc vợ, tay kia anh ta cầm vòi hoa sen liên tục đánh vào mặt, vào đầu...
Sau trận đòn, anh ta chở chị thả ở cổng bệnh viện rồi ra về. Một mình trong viện mấy ngày, chị Trinh nghẹn ngào nhận ra, trước đây sau mỗi lần đánh vợ, ít nhất chồng còn nỉ non xin lỗi, còn bây giờ... mặc kệ. Người chồng cũng không cần dọa "cô giỏi thì la lên đi", bởi có thể anh ta biết hơn bất kỳ ai, chị Trinh là người sợ mọi người biết chuyện nhất.
Rời viện, Trinh ôm hai con, lấy hết dũng khí về quê ngoại. Chị cần một chỗ "tạm lánh" và sau đó là việc sẽ tố cáo và ly hôn.
Nghe chị kể sự tình, nhìn những vết thương trên mặt, trên người con, bố mẹ chị không khỏi sốc. Trước khi chị sinh cô con gái thứ hai, họ rất tự hào về gia đình "chuẩn mực" của con, vợ chồng đều trí thức, công việc ổn định, có nhà ở thành phố...
Vậy nhưng bố mẹ, nhất là mẹ chị phản đối kịch liệt ý định muốn tố cáo và ly hôn chồng của con gái. Bà quay sang suy đoán "có lửa mới có khói", vợ thế nào thì chồng nó mới đánh, rồi lại đưa chuyện một phần "cũng do mình không đẻ được con trai"... và đề nghị con gái "im cái mồm lại đi".
Mẹ chị khóc lóc than: "Xấu chàng hổ ai, không giữ mặt mình thì phải giữ mặt cho con cái, bố mẹ". Bà còn tuyên bố chị mà để cho ai biết hay bỏ chồng thì bà sẽ chết.
Hôm sau, chị Trinh đưa hai con trở lại ngôi nhà có người chồng bạo lực đang chờ...
Từ lần đó đến nay, chị Trinh không nhớ mình bị đánh bao nhiêu lần. Nhưng chị không kể với bất kỳ ai thân quen, chỉ sử dụng nick ảo để chia sẻ trên các diễn đàn, để tìm sự động viên, an ủi từ những phụ nữ xa lạ. Ở đây, chị gặp rất nhiều người cũng như mình, bị chồng bạo hành nhưng chỉ kể và tìm sự chia sẻ từ những người không biết mình là ai.
Đáng sợ văn hóa im lặng
Gặp nguy hiểm thì kêu cứu, nhờ trợ giúp - bản năng sinh tồn cơ bản đó lại bị vô hiệu hóa với nhiều người. Khi bị bạo hành, thay vì chạy ra ngoài kêu cứu, nhiều phụ nữ lại chạy ngược vào trong, đóng cửa lại.
"Về nhà bố mẹ hay bước ra bên ngoài kia cầu cứu còn đáng sợ hơn cả đòn roi của chồng. Bước ra bên ngoài, bản thân ê chề, lại còn bị chính người thân phán xét, xem như tội đồ", chị Nguyễn Thị Trinh.
Chúng ta không xa lạ với những cảnh đầu u, má thâm, mắt tím mà nhiều phụ nữ thường được lý giải do tai nạn, té, không cẩn thận... Có những bà vợ, tháng vài lần xin nghỉ, việc một hai ngày lại đóng kín cửa trong nhà, chờ thân thể lành lặn.
Họ đã nỗ lực làm bằng mọi cách nhưng không phải để bảo vệ mình mà để không ai biết mình bị bạo hành.
Cũng không ít trường hợp như chị Trinh, khi bị chồng bạo hành, nghe bố mẹ đẻ động viên, nhịn đi mà sống. Cũng không ít vụ việc bạo hành gia đình khi bị phanh phui, các cơ quan chức năng vào cuộc xử lý thì chính người vợ rút đơn, xin hòa giải để bảo vệ kẻ bạo hành.
Trong chương trình về bạo lực gia đình mới đây, bà Elisa Fernandez, Trưởng đại diện UN Women tại Việt Nam cho biết, điều nguy hiểm nhất trong chuyện bạo lực gia đình tại Việt Nam chính là văn hóa im lặng, im lặng của người xung quanh và cả người trong cuộc. Bạo lực gia đình thường diễn ra một cách bí mật và còn được xem là vấn đề cá nhân, riêng tư phải giấu kín.
Theo bà Elisa Fernandez, công việc chống bạo lực gia đình phải làm sao xây dựng được cộng đồng tạo ra không gian để phụ nữ không phải xấu hổ khi kể ra tình cảnh của mình. Các đơn vị cung cấp dịch vụ cần tạo điều kiện tốt hơn nữa để phụ nữ tin tưởng tìm kiếm sự hỗ trợ.