"50% phụ nữ Việt từng bị bạo lực mà... chưa từng kể với ai"

Phương Thảo

(Dân trí) - Nhắc tới con số này, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà nhận định, công tác phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức nếu cộng đồng không cùng hành động.

50% phụ nữ Việt từng bị bạo lực mà... chưa từng kể với ai - 1

Lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH cùng đại diện UNFPA Việt Nam chủ trì hội thảo (Ảnh: Giáp Tống).

Sáng 14/12, tại Hà Nội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) phối hợp với Quỹ Dân số Liên hợp quốc - UNFPA tổ chức thảo về các giải pháp thực hiện hiệu quả Chương trình Phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2021-2025 và ra mắt Mạng lưới đối tác hành động về phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới.

Chương trình phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới đã được Thủ tướng Chính phủ thông qua và hướng tới mục tiêu là đến năm 2025. Theo đó, ít nhất 50% người bị bạo lực trên cơ sở giới tìm kiếm được sự hỗ trợ từ các cơ quan cung cấp dịch vụ và tất cả những người bị bạo lực có nhu cầu đều được trợ giúp bằng cách hình thức khác nhau.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà cho biết, việc xây dựng mạng lưới đối tác hành động về phòng ngừa và ứng phó với bạo lực nằm trong khuôn khổ chương trình hợp tác giữa Bộ với UNFPA. Đây cũng là hoạt động hưởng ứng Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2021.

50% phụ nữ Việt từng bị bạo lực mà... chưa từng kể với ai - 2

Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà phát biểu chỉ đạo tại hội thảo.

Thứ trưởng Hà nêu thực tế, bạo lực trên cơ sở giới là vấn đề báo động ở nhiều quốc gia trên thế giới và là hành vi vi phạm quyền con người phổ biến nhất. Bạo lực trên cơ sở giới xảy ra phổ biến từ trong gia đình, tới nơi làm việc, trường học, không gian công cộng dưới nhiều hình thức khác nhau mà nguyên nhân gốc rễ là do sự phân biệt đối xử về giới.

Nguy cơ gia tăng bạo lực 

Theo công bố tại hội thảo, trên thế giới, cứ 3 phụ nữ thì có gần 1 người bị bạo hành trong cuộc đời. Trong bối cảnh khủng hoảng do xung đột, thảm họa thiên tai hay dịch bệnh, tình trạng bạo lực trên cơ sở giới có nguy cơ gia tăng nhiều hơn...

Kể từ đầu năm 2020 đến nay, đại dịch Covid-19 đã và đang tác động nghiêm trọng tới hầu hết các quốc gia trên thế giới. Đại dịch không chỉ gây thiệt hại về tính mạng con người, suy thoái kinh tế mà những áp lực trong cuộc sống đã góp phần làm gia tăng tình trạng bạo lực trên cơ sở giới, bạo lực gia đình. Ở nhiều quốc gia, số trường hợp người bị bạo lực ước tính đã tăng lên ít nhất 30%.

Tại Việt Nam, số liệu từ Nghiên cứu quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ năm 2019 cho thấy, có tới 62,9% phụ nữ từng phải chịu ít nhất 1 trong các hình thức bạo lực trong cuộc đời. Tuy nhiên, có tới 50% phụ nữ bị bạo lực chưa từng kể với ai việc mình bị bạo lực và 90,4% cho biết chưa từng tìm kiếm sự hỗ trợ nào từ cơ quan chức năng hay đơn vị cung cấp dịch vụ.

Nếu xem xét những thiệt hại hữu hình (chi phí trực tiếp và chi phí do bỏ lỡ công việc) và những thiệt hại vô hình (mất năng suất lao động), tổng thiệt hại của nền kinh tế lên tới 1,8% GDP, tương đương 100.000 tỷ đồng.

Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, thực tế nêu trên đã đặt ra yêu cầu có biện pháp cách thức, hành động nhằm giảm thiểu tình trạng bạo lực trên cơ sở giới, bảo vệ quyền con người một cách hiệu quả nhất.

50% phụ nữ Việt từng bị bạo lực mà... chưa từng kể với ai - 3

Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà cùng các thành viên Mạng lưới đối tác hành động ra mắt.

Tại Việt Nam thời gian qua, các cấp, ngành từ trung ương đến địa phương đã triển khai nhiều giải pháp như hoàn thiện chính sách, pháp luật về bình đẳng giới; tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức, thay đổi hành động của người dân về thực hiện bình đẳng giới, xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới; triển khai các mô hình, dịch vụ hỗ trợ người bị bạo lực.

Thực tế cho thấy những hoạt động phòng ngừa, can thiệp, hỗ trợ người bị bạo lực trong thời gian qua đã có những tác động tích cực, song đòi hỏi cần có sự nỗ lực nhiều hơn nữa để mang lại hiệu quả cao hơn trong đấu tranh xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới ở Việt Nam.

"Chúng ta cần tiếng nói, hành động cụ thể của từng cá nhân trong cộng đồng để giúp những người bị bạo lực không cảm thấy đơn độc, yếu thế hay bị kỳ thị. Chúng ta cần bảo vệ để người bị bạo lực sớm quay trở lại cuộc sống thường ngày, còn người gây bạo lực cần phải xử lý một cách nghiêm minh. Đó là cách thức để chúng ta ngăn chặn bạo lực, xây dựng mỗi gia đình hạnh phúc, cộng đồng, xã hội an toàn, bình đẳng, tiến bộ và văn minh" - Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà cho biết.

Cũng tại hội thảo, Thứ trưởng Hà nhấn mạnh về ý nghĩa của Chương trình Phòng ngừa và ứng phó với bạo lực, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định 2231 năm 2020 hướng tới mục tiêu để tất cả phụ nữ và trẻ em tại Việt Nam, gồm những người dễ bị tổn thương nhất, đều được sống cuộc sống không bạo lực.

Đồng thời, Thứ trưởng cũng gợi ý tổng kết những kết quả, bài học kinh nghiệm để để xuất giải pháp cụ thể mở rộng các dịch vụ thiết yếu hỗ trợ người bị bạo lực, qua đó cần xây dựng cho được hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới ở Việt Nam trong giai đoạn tới.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cũng kỳ vọng, mỗi thành viên Mạng lưới đối tác hành động, dù ở vị trí công tác nào đều nỗ lực đóng góp tiếng nói, công sức vào công tác phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới.

Tăng cường cơ chế hợp tác

Cùng chủ trì hội thảo, bà Naomi Kitahara - Trưởng Đại diện UNFPA tại Việt Nam - nêu ý kiến, để triển khai Chương trình quốc gia phòng ngừa và ứng phó với bạo lực một cách hiệu quả, như Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà đề cập, Việt Nam cần có nhiều sáng kiến đổi mới hơn nữa với sự tham gia của thế hệ trẻ nhằm hướng tới thay đổi các chuẩn mực văn hóa và xã hội về bạo lực đối với phụ nữ.

UNFPA kêu gọi Chính phủ Việt Nam có cơ chế phối hợp chặt chẽ hơn trên các lĩnh vực khác nhau để tạo sự gắn kết vững chắc giữa các hoạt động can thiệp nhằm chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ.