"Có cha mẹ Việt thích chơi với điện thoại hơn là chơi với con"
(Dân trí) - Đại diện Unicef đưa ra khuyến cáo về thực trạng ở một số gia đình tại Việt Nam: Bố mẹ thờ ơ, không quan tâm hoặc có mối quan tâm khác ngoài con cái mỗi khi về nhà.
Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà, sức khỏe tinh thần của trẻ em trong đại dịch Covid-19 cần được tăng cường đặc biệt bởi trẻ em là đối tượng dễ bị tác động từ nhiều phía.
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm Ngày Trẻ em thế giới vừa được tổ chức tại Hà Nội mới đây, lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH cho rằng: "Việt Nam tự hào là quốc gia đầu tiên ở Châu Á, thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước này (vào ngày 20/2/1990)".
Theo bà Hà, trải qua hơn 30 năm thực hiện Công ước, Việt Nam đã đạt được những kết quả và tiến bộ trong việc thực hiện các quyền trẻ em, mang lại cho trẻ em cuộc sống ngày càng tốt hơn.
"Việt Nam đã nội luật hóa tất cả các quyền và các nguyên tắc bảo đảm thực hiện quyền trẻ em của Công ước, từ Hiến pháp năm 2013 đến Luật Trẻ em năm 2016 và các bộ luật, các luật có liên quan", Thứ trưởng Hà cho hay.
Trong bối cảnh thế giới đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, trẻ em và thanh thiếu niên phải gánh chịu những tác động tiêu cực từ dịch bệnh, nhất là vấn đề học tập và sức khỏe tâm thần.
Các em phải gián đoạn việc học tập, khó khăn hơn trong tiếp cận các nguồn dinh dưỡng và các điều kiện chăm sóc khác, việc vui chơi, giải trí, giao tiếp bạn bè bị hạn chế, các vấn đề về bạo lực, xâm hại trẻ em cũng có xu hướng gia tăng.
Đặc biệt, tình trạng trẻ em bị nhiễm Covid-19 phải điều trị, trẻ em mồ côi do bố mẹ tử vong bởi dịch Covid-19 đã đe dọa đến sức khỏe, tinh thần và các điều kiện chăm sóc khác trong cuộc sống hàng ngày của các em.
Cũng tại buổi lễ, Trưởng Đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (Unicef) tại Việt Nam, bà Rana Flowers nhận định, trong 2 năm vừa qua, đại dịch cho thấy sự bất ổn ở thế giới bên ngoài và ảnh hưởng đến thế giới bên trong. Rõ ràng rằng sức khỏe tốt - không chỉ là sức khỏe thể chất - mà còn là sức khỏe tâm thần.
"Trẻ em không được gặp gỡ và tiếp xúc với bạn bè, bị mất đi những thói quen hàng ngày và phải đối mặt với sự sợ hãi và nỗi đau buồn, đại dịch đã cho thấy tầm quan trọng của sức khỏe tâm thần của trẻ em và thanh thiếu niên", bà Rana Flowers nói.
Đại diện Unicef nêu vấn đề, ở Việt Nam có một số gia đình, bố mẹ thích làm bạn với những chiếc điện thoại thay vì làm bạn và chơi với con. Đây là vấn đề cần được khắc phục nhằm tăng giao lưu, kết nối bố mẹ với con cái.
Nhấn mạnh việc Việt Nam tự hào là quốc gia đầu tiên ở Châu Á và thứ 2 trên thế giới phê chuẩn Công ước Quốc tế về Quyền trẻ em vào năm 1990, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà nhận định, trải qua hơn 30 năm thực hiện, Việt Nam đã đạt được những kết quả và tiến bộ trong việc thực hiện các quyền trẻ em, mang lại cho trẻ em cuộc sống ngày càng tốt hơn.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà cho biết, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang tác động tiêu cực đến trẻ em và thanh thiếu niên, Bộ LĐ-TB&XH mong muốn các Bộ, ban, ngành, cơ quan, tổ chức cần quan tâm hơn và có hành động cụ thể để nâng cao sức khỏe tâm thần cho trẻ em và người chăm sóc trẻ vượt qua đại dịch Covid-19 với các giải pháp thiết thực và bền vững.
Lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH hy vọng những việc làm thiết thực và ý nghĩa hôm nay sẽ góp phần đảm bảo thực hiện quyền trẻ em, giúp các em có cơ hội phát triển tự tin trong tương lai.