Có 2 hợp đồng lao động trở lên thì đóng bảo hiểm xã hội thế nào?
(Dân trí) - Người lao động đồng thời có từ 2 hợp đồng lao động trở lên với nhiều đơn vị khác nhau thì đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp theo hợp đồng lao động giao kết đầu tiên.
Chị Oanh (TPHCM) vừa chuyển đến làm việc tại công ty mới nhưng vẫn cộng tác tại công ty cũ, chưa chấm dứt hợp đồng lao động nên chưa chốt sổ BHXH. Chị thắc mắc về việc nếu cùng hoạt động tại hai công ty thì chị phải đóng BHXH, BHTN, BHYT như thế nào?
Về vấn đề này, nội dung trả lời từ Bộ LĐ-TB&XH nêu rõ, khoản 1, điều 2, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định về người lao động áp dụng quy định là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.
Theo đó, người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng.
Kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động. Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng.
Ngoài ra, khoản 1, điều 42 Quyết định 595/QĐ-BHXH quy định quản lý đối tượng đóng bảo hiểm xã hội là người lao động có từ 2 hợp đồng lao động đồng thời trở lên với nhiều đơn vị khác nhau thì đóng BHXH, BHTN theo hợp đồng lao động giao kết đầu tiên.
Bên cạnh đó, những người lao động đó đóng BHYT theo hợp đồng lao động có mức tiền lương cao nhất và đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo từng hợp đồng lao động.
Như vậy, người lao động đồng thời có từ 2 hợp đồng lao động trở lên thì đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp theo hợp đồng lao động giao kết đầu tiên.