Chuyện tình yêu cổ tích của ông bà chủ "4 bàn chân héo, 4 bàn tay tươi"
(Dân trí) - Là những người khuyết tật nhưng vợ chồng anh Thành, chị Bé đã nỗ lực vượt nghịch cảnh để xây dựng mái ấm hạnh phúc. Với nghề khảm trai, họ đã có một cuộc sống tốt đẹp đáng mong đợi.
Mảnh ghép hạnh phúc
"Khi biết chúng tôi đến với nhau, gia đình đều ủng hộ nhưng vẫn lo lắng vì cả 2 đều là người khuyết tật... Chúng tôi quyết tâm đến với nhau bằng sự đồng cảm và tình yêu chân thành", chị Bé tâm sự.
Chị Phạm Thị Bé (SN 1985, quê ở huyện Thạch Thất, Hà Nội) bị khuyết tật bẩm sinh ở chân, đi lại khó khăn. Từ khi còn nhỏ, chị Bé đã xin đi học nghề khảm trai, mong muốn tự lực cánh sinh, không trở thành gánh nặng cho gia đình.
Thương chị Bé thiệt thòi, một chủ xưởng mộc đã nhận chị vào làm. Từ đó chị theo chân những người thợ lành nghề, rong ruổi khắp các tỉnh, thành với nghề mộc, khảm trai.
Năm 2010, trong lần cùng đoàn thợ đến làm sản phẩm khảm trai ở Quảng Bình, chị Bé gặp gỡ và nên duyên với anh Nguyễn Mậu Thành (SN 1980) - một người đồng cảnh ngộ. Cả hai cùng nhau viết nên câu chuyện tình yêu cổ tích.
Anh Thành sinh ra trong gia đình đông anh em tại phường Đức Ninh Đông, thành phố Đồng Hới (Quảng Bình). Tuổi thơ anh trải qua nhiều khổ cực, mắc căn bệnh bại liệt từ lúc 5 tuổi, khiến cơ thể anh suy kiệt, đôi chân teo dần.
Dù khuyết tật, hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng anh Thành rất ham học. Năm 2002, với bao nỗ lực, anh thi đậu vào Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng. Nhưng vì hoàn cảnh, anh Thành ngậm ngùi từ bỏ ước mơ, xin đi làm thuê cho một xưởng mộc ở thành phố Đồng Hới.
Sau một thời gian học việc, thấy anh Thành chăm chỉ, chịu khó học tập, làm việc nên chủ xưởng mộc đã truyền nghề khảm trai. Đây cũng là nơi anh bén duyên với người vợ Phạm Thị Bé.
"Có lẽ cùng hoàn cảnh nên chúng tôi dễ nói chuyện hơn. Tôi rất thương, cảm phục khi cô ấy khó khăn nhưng lại biết yêu thương và san sẻ với mọi người. Tình cảm cứ dần vun đắp, thương nhau nhiều hơn rồi chúng tôi quyết định về chung một nhà", anh Thành chia sẻ.
Gần 15 năm bên nhau, đối mặt với rất nhiều khó khăn nhưng vợ chồng anh Thành đã vượt qua, cùng nhau xây dựng tổ ấm.
Trong mắt chị Bé, anh Thành là người đàn ông hoàn hảo nhất mà cuộc sống đã ban tặng cho chị. Tổ ấm ấy càng trọn vẹn hơn khi anh chị sinh được 2 người con, một trai, một gái đáng yêu.
Vượt lên nghịch cảnh
Cuộc sống dẫu còn nhiều khó khăn, vất vả nhưng vợ chồng anh Thanh vẫn luôn đồng sức, đồng lòng để phát triển kinh tế gia đình cũng như nuôi dạy các con khôn lớn.
Năm 2019, anh Thành được Câu lạc bộ thanh niên khuyết tật thành phố Đồng Hới hỗ trợ đi học nâng cao tay nghề, kết nối với các tổ chức, hỗ trợ gia đình anh 12 triệu đồng mua máy móc ra làm riêng.
Sau khi mở cơ sở khảm trai tại nhà, kinh tế của gia đình anh Thành dần khấm khá. Các sản phẩm của anh chị làm ra đều ấn tượng, độc đáo, mang nét văn hóa, đặc trưng riêng nên được nhiều khách hàng ưa chuộng.
Anh Thành hiện liên kết với khoảng 20 xưởng mộc trên địa bàn thành phố Đồng Hới để làm các tác phẩm khảm trai. Nhờ đó, vợ chồng anh có việc làm thường xuyên, mỗi tháng thu nhập khoảng 20 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Từ nguồn tích góp, gia đình anh Thành đã làm được ngôi nhà khang trang.
Trong khoảng sân nhỏ, hằng ngày vợ chồng anh Thành cần mẫn với công việc khảm trai. Theo anh Thành, nghề này đòi hỏi người làm phải khéo tay, sáng tạo, tỉ mỉ, cẩn thận trong từng chi tiết.
Công việc được vợ chồng anh Thành chia nhau làm theo từng công đoạn. Sau khi nhận đơn hàng, anh Thành sẽ lên ý tưởng rồi vẽ mẫu ra giấy, đánh giá và lựa chọn ra những mẫu phù hợp, ưng ý nhất để đưa vào thực hiện. Còn chị Bé sẽ đục gỗ, gắn trai vào gỗ, mài khảm và sử dụng bột đen để làm nổi bật họa tiết...
"Học được nghề khảm trai, vợ chồng tôi đã có công việc ổn định, không trở thành gánh nặng của gia đình và xã hội. Tôi dự định vay vốn để mua máy móc, nguyên liệu, mở rộng thị trường nhằm tạo thêm việc làm và thu nhập cũng như đáp ứng nhu cầu của khách hàng yêu nghệ thuật khảm", anh Thành nêu tâm huyết.
Anh Nguyễn Viết Quân, Chủ nhiệm Câu lạc bộ thanh niên khuyết tật thành phố Đồng Hới cho biết, vợ chồng anh Thành, chị Bé là một trong những tấm gương điển hình về nghị lực vượt khó ở địa phương.
Những năm qua, Câu lạc bộ luôn quan tâm, động viên, hỗ trợ vốn vay, giúp thành viên xây dựng 40 mô hình sinh kế, tìm việc làm phù hợp. Từ đó, nhiều thành viên nỗ lực vươn lên để làm chủ về kinh tế, giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội.