1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Quảng Nam:

Chuyện nữ du kích can trường, nhiều lần trở về từ "cõi chết"

Ngô Linh

(Dân trí) - Với 7 lần bị địch bắt, 6 lần trở về từ cửa tử, nữ du kích Phan Thị Hồng Minh, 72 tuổi, thương binh hạng 1/4, khiến nhiều người cảm phục bởi sự gan dạ, trung kiên.

Luôn sẵn sàng cho cái chết để bảo vệ bí mật

Sinh ra và lớn lên trong gia đình giàu truyền thống cách mạng, năm 14 tuổi, tiếp bước cha ông, bà Phan Thị Hồng Minh (ở xã Bình Dương, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) xung phong vào đội thiếu niên xã.

Chuyện nữ du kích can trường, nhiều lần trở về từ cõi chết - 1

Bà Phan Thị Hồng Minh - nữ du kích 7 lần bị địch bắt, 6 lần trốn thoát.

Năm 15 tuổi, bà được đưa vào đội thanh niên du kích thôn, xây dựng làng phòng thủ, trực tiếp chiến đấu. Bà cũng được giao nhiệm vụ làm giao liên, chuyển giấy tờ từ xã này sang xã khác, đồng thời dẫn bộ đội hành quân đi qua các điểm an toàn tại xã Bình Dương.

Bằng sự dũng cảm, mưu trí, bà Minh nhiều lần hoàn thành tốt nhiệm vụ, sau đó được đơn vị tin tưởng giao nhiệm vụ mới là đưa thư, đưa vũ khí đến Sơn Trà (TP Đà Nẵng) cho bộ đội đóng quân tại đây.

Chuyện nữ du kích can trường, nhiều lần trở về từ cõi chết - 2

Những huy chương, huy hiệu được bà giữ gìn cẩn thận, chu đáo.

Trong khoảng thời gian này, nữ du kích Phan Thị Hồng Minh đã 7 lần bị địch bắt và 6 lần gan dạ trốn thoát thành công. Lần vượt ngục ấn tượng nhất, bà kể, Mùng 1 Tết Mậu Thân 1968, chiến sự đang hồi quyết liệt, bà nhận nhiệm vụ hạ cờ của địch tại thành phố Hội An cùng một số đồng đội.

Nữ du kích 7 lần bị địch bắt, 6 lần trốn thoát

Sau khi hoàn thành việc thay cờ, bà bị địch phát hiện, bắn súng liên thanh nhưng may mắn, làn đạn chỉ sượt qua má. Bà cố gắng trốn thoát với một bên mặt tươm máu. Cuối cùng, bà vẫn bị địch bắt khi khẩu súng mang theo chỉ còn 4 viên đạn. Năm ấy bà vừa tròn 18.

"Vết thương không được chăm sóc nên để lại sẹo đến bây giờ. Chúng tra tấn dã man hòng moi thông tin, nhưng tôi thà chết không khai. Lần đó, tôi trốn thoát khỏi trại giam nhờ cống đổ chất thải của trại giam", bà Minh chỉ vào vết sẹo hằn sâu trên má, nói.

Một lần khác, bà Minh bị địch bắt khi đang làm nhiệm vụ. Chúng tra tấn bà bằng điện đến kiệt sức và vứt vào nhà xác. Khoảng 1h sáng hôm sau tỉnh dậy, thấy 2 người canh gác đang ngủ, bà trườn ra ngoài và lại "đào tẩu" thành công.

Chuyện nữ du kích can trường, nhiều lần trở về từ cõi chết - 3

Nghĩ lại những năm tháng thanh xuân cống hiến cho cách mạng, bà không hề hối tiếc vì sự hi sinh giàu ý nghĩa.

"Khi trườn đến vùng địch không phát hiện được, biết là những khu vực này sẽ có mìn rất nhiều, tôi nhặt túi bóng, bắt đom đóm bỏ vào để dò mìn. Vì được đào tạo kỹ năng trước nên tôi khóa hết những quả mìn để trốn thoát thành công", bà Minh nhớ lại.

Bảy lần rơi vào tay địch bà đều bị tấn dã man, như dí điện vào người, đánh gãy răng, sưng húp mặt mày... Màn tra tấn khủng khiếp khác nữa là bỏ vào thùng phuy rồi gõ đập ở bên ngoài, đến khi dừng lại thì nạn nhân cả miệng, cả tai… đã trào máu. Những di chứng với bà Minh vẫn còn đến tận bây giờ.

"Tôi luôn sẵn sàng hy sinh khi cần, cái chết không là gì lúc đó cả, chỉ mong nước nhà độc lập", nghĩ lại những năm tháng thanh xuân cống hiến cho cách mạng, bà không hề hối tiếc vì đã sống có ý nghĩa.

Cưới vợ cho... chồng vì bản thân không thể làm mẹ

Năm 30 tuổi, bà Minh tìm được "một nửa" còn lại, nhưng do di chứng chiến tranh, bà không thể làm mẹ. Nén nỗi đau, bà quyết định "cưới vợ" cho chồng, rồi một mình lặng lẽ về quê nhà sinh sống.

Chuyện nữ du kích can trường, nhiều lần trở về từ cõi chết - 4

Một lần khác, bà Minh bị địch bắt khi đang làm nhiệm vụ, bị tra tấn bằng điện đến kiệt sức và bị vứt vào nhà xác. Khoảng một giờ sáng hôm sau tỉnh dậy, thấy 2 người canh gác đang ngủ, bà trườn ra ngoài, "đào tẩu" thành công.

Hòa bình lập lại, bà Minh trở về sống cùng mẹ đẻ trong căn nhà nhỏ ở vùng quê nghèo cát cháy, hàng ngày đảm nhận công việc của một Bí thư Đoàn xã. 

Làm Bí thư Đoàn xã một thời gian, bà nhận thấy trên địa bàn lúc đó rất thiếu nhân viên y tế, đặc biệt là nhân viên hộ sinh. Bản thân bà, quá trình đi hoạt động du kích, bà "học mót" được nhiều nghề, vào làng nón thì biết chằm nón, vào nhà làm đậu thì cùng nấu đậu hũ đi bán, rồi tình cờ vào ở một nhà làm nghề hộ sinh, bà cũng học được một số kỹ năng hộ sinh. Sau một số lần giúp phụ nữ trong làng sinh nở thành công, bà được cấp trên quyết định chuyển sang làm hộ sinh.

Cuộc sống cũng đã mỉm cười, nơi mảnh đất quê nhà đã giúp bà "gieo duyên",  gặp 2 người con nuôi của mình. Đó là những thiên thần nhỏ bị bỏ rơi, được bà cưu mang và nuôi dạy nên người. Hiện nay cả 2 đều có gia đình êm ấm, phụng dưỡng mẹ già chu đáo.

Bà Minh sinh ra và lớn lên trong gia đình cách mạng tại xã Bình Dương. Bố và em gái đã hi sinh tại đây. Sau này, em trai bà, là thầy giáo ở vùng núi, cũng ngã xuống, được Nhà nước ghi nhận, cấp bằng Tổ quốc ghi công. Bản thân bà Minh đang hưởng chế độ Thương binh hạng 1/4.

"Thời chiến, sẵn sàng hi sinh đến giọt máu cuối cùng. Thời bình, sẵn sàng cống hiến đến hơi thở cuối cùng" là phương châm sống của bà Phan Thị Hồng Minh. Giờ đây, khi tuổi đã ngoài 70, bà vẫn sẵn sàng tham gia các hoạt động xã hội, hoạt động thiện nguyện cùng các đồng đội năm xưa.

Ông Nguyễn Văn Đạt - Phó Chủ tịch xã Bình Dương cho biết, hiện ở xã chỉ còn bà Phan Thị Hồng Minh là thương binh hạng 1.

"Hiện bà sống với mọi người rất giản dị, hòa đồng. Bà là người cách mạng kiên trung, một người Đảng viên gương mẫu, thường xuyên đóng góp, xây dựng phong trào Chi bộ và Đảng bộ. Xã cũng thường xuyên thăm hỏi gia đình bà", ông Đạt nói.