Chuyên gia Unicef: Covid-19 khiến trẻ em Việt Nam chịu nhiều tổn thương
(Dân trí) - Đại diện Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (Unicef) cho rằng, trẻ em Việt Nam đang là đối tượng chịu nhiều tổn thương bởi đại dịch từ giáo dục, đến sức khỏe tinh thần và thể chất.
Tại Tọa đàm với chủ đề tác động của Covid-19 lên giảm nghèo và phát triển kinh tế Việt Nam do Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức chiều 26/10 tại Hà Nội, ông Vincenzo Vinci, Trưởng Chương trình Chính sách xã hội và Quản trị công, Unicef Việt Nam cho rằng Covid-19 đã, đang và sẽ tác động đến trẻ em ngày càng nhiều hơn.
Trẻ em đối diện với bạo lực gia đình, cần chăm sóc tinh thần
Theo ông Vinci, tính chung Việt Nam hiện có 38% trẻ em dân tộc thiểu số bị thấp còi, ngược lại có 19% trẻ em thanh thiếu niên thừa cân, béo phì; 67% trẻ em vùng sâu, xa không được tiếp cận học trực tuyến.
Đáng nguy hại có 64% trẻ em nhóm tuổi từ 1-4 tuổi bị bạo lực gia đình, các trẻ em sống trong cảnh nghèo đa chiều dễ bị tổn thương, tác động hơn cả.
Covid-19 ập đến, trẻ em ở trong gia đình phải gánh vác trách nhiệm gia đình với bố mẹ. Đại dịch Covid-19 khiến bố hoặc mẹ mất việc làm, các em còn chịu thiệt thòi thiếu dịch vụ chăm sóc sức khỏe, không được tiếp cận giáo dục trực tuyến hoặc có thì phân hóa theo địa phương, giàu nghèo. Trẻ em ít được trang bị để chống lại những thay đổi thời cuộc, ít được lắng nghe, nhìn nhận hơn.
Đại diện Unicef khẳng định: "Covid-19 khiến bạo lực gia đình ngày càng xấu đi đối với trẻ em, phụ nữ. Nhìn về góc độ dinh dưỡng, lương thực, gia đình mất thu nhập, nghèo đói tăng lên, 70% số người khảo sát cho biết giảm tiền mua sữa hoặc sữa công thức cho trẻ em, trên 1/3 số người cho biết giảm tiền mua thức ăn".
"Khi Covid-19 xảy ra, trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương bởi bạo lực gia đình. Việc thường xuyên phải ở nhà, không được học trực tuyến hoặc bố mẹ có thu nhập ít hơn, khiến trạng thái sức khỏe, tinh thần của các trẻ em bị ảnh hưởng rất nhiều..". ông Vinci nói.
Ông Vinci nhấn mạnh: Tác động của Covid-19 làm trầm trọng hơn nghèo đói, mất mát của trẻ em và thanh thiếu niên. Những tác động ngày càng sâu sắc, lâu dài hơn trong tương lai.
"Chúng ta phải thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số trong giáo dục, bảo vệ sức khỏe thể chất, tinh thần cho trẻ em trước tác động đa chiều của đại dịch, hiện đại hóa hệ thống an sinh xã hội toàn diện và đồng đều hơn... để bảo vệ trẻ em trước tác động bất lợi của dịch bệnh", đại diện Unicef khuyến cáo.
Tại Tọa đàm, TS. Nguyễn Thắng, Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam, Việt Nam cho rằng Việt Nam cần ưu tiên chính sách khắc phục chuỗi đứt gãy sản xuất, đưa người lao động quay lại, khoanh vùng dập dịch nhỏ thôi để hạn chế tác hại, đặc biệt cần đưa mạch máu giao thông thông suốt, không để các tỉnh ra chính sách riêng, cát cứ.
Ông này cho rằng, có thực hiện đồng bộ các giải pháp trên mới hy vọng người nông dân có thể bán được hàng hóa, nông sản, người dân ở thành thị mới tiếp cận được những hàng hóa giá rẻ.
Đối với việc khắc phục học tập của học sinh, sinh viên đang bị đứt gãy, TS Thắng nhấn mạnh Việt Nam cần áp dụng đại trà biện pháp học online. Coi đây là biện pháp phổ biến xuyên suốt, phù hợp với bối cảnh hiện nay.
Về hỗ trợ công bằng cho xã hội, ông Thắng cho rằng: Nhà nước cần trợ giá cho trẻ em, học sinh, sinh viên về cước internet. Chi phí cho internet hiện nay khá rẻ, ví dụ như 50.000 đồng/tháng để đăng ký dịch vụ 4G phục vụ học tập là quá tốt.
"Chúng ta không nên dùng gương hậu để nói về tương lai, tình hình đất nước trong Quý III/2021 rất khó khăn, nhưng Quý IV có khởi sắc, tươi sáng hơn. Lý do là Việt Nam có ngày chúng ta tiêm được 1,9 triệu liều vaccine. Đây là thành quả chống dịch, là thước đo quan trọng nhất để chúng ta chủ động đối phó với dịch bệnh", ông Thắng nói.
Trẻ em, phụ nữ là nhóm dễ bị tổn thương nhất
Bà Dorsati Madani, Chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết, trong tương lai, mấu chốt nhất của Việt Nam vẫn là vaccine trước các diễn biến khó lường, tác động đa chiều của đại dịch. Chính sách thứ 2 là vai trò của Chính phủ trong chính sách ứng phó và chủ động ngăn chặn đại dịch.
Riêng đối với phụ nữ, họ là nhóm dễ bị tổn thương hơn cả bởi công việc khó khăn, chịu trách nhiệm chăm lo con cái, gia đình. Có một số hộ gia đình ko bị ảnh hưởng tiền bạc thì có thể ảnh hưởng bởi yếu tố khác.
Đại diện WB Tại Việt Nam nhấn mạnh, trước đại dịch, nhóm người dễ bị tổn thương nhất là phụ nữ, người lao động tự do và trẻ em.
Về vấn đề lao động di cư, di biến động lao động do Covid-19, bà Đỗ Thị Thanh Huyền, chuyên gia phân tích của UNDP Việt Nam cho rằng, tác động đến dòng người di cư có 2 lý do một là vì miếng cơm manh áo.
Người tại khu vực biên giới phía bắc xuống phía Nam nơi có điều kiện kiếm tiền tốt hơn và người từ Đồng bằng Sông Cửu Long vượt lên TPHCM kiếm tiền nhiều hơn để trang trải cho cuộc sống, mưu sinh gia đình.
Theo bà Đỗ Thị Thanh Huyền, nhiều người tại Đồng bằng Sông Cửu Long lên Đông Nam bộ, TPHCM kiếm việc làm vì sự phát triển của nông nghiệp quy mô lớn, hàng hóa cao lấy hết quỹ đất của họ; bên cạnh đó việc thay đổi hệ sinh thái tự nhiên như nước biển dâng, không có lũ... ảnh hưởng mất việc làm, mất sinh kế khiến họ đi tìm việc làm mới.
Xu hướng thứ 2 là tìm đến nơi có môi trường tốt hơn như ở Lâm Đồng, Đà Nẵng. Hiện tượng người lao động rời bỏ các trung tâm công nghiệp, thành phố lớn là vấn đề ngắn hạn, nhưng cũng tác động đến dài hạn về việc làm, hệ thống an sinh.