1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Một số vướng mắc trong triển khai Nghị quyết 68/NQ-CP tại Nghệ An

Nguyễn Duy

(Dân trí) - Đến nay, tỉnh Nghệ An đã thực hiện 7/12 chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động theo Nghị quyết 68. Bên cạnh đó, còn một số hạn chế, vướng mắc cần được xử lý ngay.

7/12 chính sách hỗ trợ đã được thực hiện

Ngày 11/8, thông tin từ Sở LĐ-TB&XH Nghệ An, đơn vị đã có báo cáo về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP (NQ 68) và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg (QĐ 23).

Theo đó, 7/12 chính sách trong QĐ 68 hỗ trợ đã được thực hiện. UBND tỉnh Nghệ An cũng đã ban hành Quyết định số 2830/QĐ- UBND ngày 8/8, hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 (đợt 1).

Sở LĐ-TB&XH Nghệ An đang phối hợp với Sở Tài chính trình UBND tỉnh ban hành Quyết định hỗ trợ (đợt 2). 

Một số vướng mắc trong triển khai Nghị quyết 68/NQ-CP tại Nghệ An - 1

Người làm nghề phụ hồ, bốc vác được hưởng chính sách hỗ trợ của UBND tỉnh Nghệ An.

Cụ thể 7 chính sách được giải quyết gồm: Hỗ trợ người lao động ngừng việc; lao động ngừng việc đang nuôi con nhỏ; người lao động chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; người lao động là hướng dẫn viên du lịch; viên chức hoạt động nghệ thuật.

Bảo hiểm xã hội tỉnh Nghệ An đã thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động. Ngân hàng chính sách xã hội đã hoàn tất thủ tục giải ngân cho vay 8 doanh nghiệp. 

UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 22/2021/QĐ-UBND ngày 9/8 về việc hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và một số đối tượng đặc thù khác trên địa bàn tỉnh; trong đó quy định rõ đối tượng, điều kiện, mức hỗ trợ và thời gian thực hiện chính sách hỗ trợ.

Một số hạn chế, vướng mắc cần được xử lý ngay

Tuy nhiên, bên cạnh đó còn một số tồn tại, hạn chế và vướng mắc và chậm khi triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động trên địa bàn, như: Chính sách hỗ trợ đối với trẻ em và người đang điều trị Covid-19, cách ly y tế (đối tượng là F0, F1); chính sách hỗ trợ hộ kinh doanh; chính sách hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng lao động.

Một số vướng mắc trong triển khai Nghị quyết 68/NQ-CP tại Nghệ An - 2

Người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và một số đối tượng đặc thù khác gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 sẽ được UBND tỉnh Nghệ An hỗ trợ trong đợt này.

Về vướng mắc liên quan đến việc xác định thời gian nghỉ hè và thời gian nghỉ phòng, chống dịch Covid-19 đối với các cơ sở giáo dục nói chung và cơ sở giáo dục Mầm non tư thục nói riêng trùng với thời gian nghỉ hè nên ở một số địa phương lúng túng trong việc xem xét, giải quyết hỗ trợ.

Liên quan tới thủ tục từ cơ quan thuế, theo phản ánh từ Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, các doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn trên địa bàn thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò và các huyện khác phản ánh gặp khó khăn do không cung cấp được "Thông báo quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020".

Ngoài ra một số địa phương triển khai chậm, chưa quyết liệt trong chỉ đạo, đã ban hành kế hoạch nhưng chưa triển khai hoặc chậm triển khai. Một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa báo cáo, cập nhật kịp thời tiến độ và kết quả triển khai thực hiện, ảnh hưởng đến tiến độ chung.

Trước tình hình trên, Sở LĐ-TB&XH Nghệ An tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc các cấp, các ngành triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả kế hoạch 386/KH- UBND ngày 15/7/2021 của UBND tỉnh Nghệ An về việc thực hiện NQ 68, QĐ 23 và các văn bản có liên quan.

Sở LĐ-TB&XH đã yêu cầu các đơn vị cần tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn bằng nhiều hình thức, nhiều kênh thông tin để người dân hiểu rõ chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; đẩy nhanh quy trình xét duyệt, bố trí kinh phí hỗ trợ cho các nhóm đối tượng kịp thời.

Chủ động trao đổi, nắm tình hình triển khai tại địa phương để nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 phù hợp với tình hình ảnh hưởng của diễn biến của dịch.

Làm tốt công tác tiếp nhận, giải quyết kịp thời các ý kiến, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp liên quan đến chính sách hỗ trợ; tăng cường phối hợp các Sở, ngành, MTTQ và các đoàn thể, địa phương thường xuyên giám sát, kiểm tra việc thực hiện chính sách hỗ trợ người dân ảnh hưởng bởi đại dịch.

Đề xuất kịp thời ý kiến, kiến nghị, những khó khăn, vướng mắc có liên quan để kịp thời hỗ trợ người dân và doanh nghiệp...