"Chồng tôi 'lên trời', mang cả cuộc sống đi theo anh ấy rồi"
(Dân trí) - Nhìn số đồ nghề sửa xe chồng bỏ lại, chị Tú lại khóc. Từ khi chồng mất, chị Tú đã cạo đầu, đóng cửa tiệm sửa xe, vật vã với nỗi đau không biết khi nào có thể nguôi ngoai.
"Tiệm sửa xe 20 năm là cuộc đời của chồng tôi"
Trở lại chợ Bờ Ngựa tìm tiệm sửa xe Thiện quen thuộc bao năm của người dân Bình Chánh mà không thấy, đảo qua mấy vòng chợ, hỏi ra mới biết, tiệm đã đóng cửa gần nửa năm nay. Lý do kể ra khiến ai cũng đau lòng.
Ông chủ tiệm sửa xe - anh Thiện đã mất vì Covid-19 năm ngoái, người vợ không cáng đáng nổi công việc nên đã trả lại mặt bằng, về nhà nhặt ve chai kiếm sống và chăm lo cho con cái.
Nhà chị Nguyễn Thị Phương Tú (36 tuổi) ở cuối con hẻm trong đường số 1A, ấp 2, xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh. Nghe có người hỏi về tiệm sửa xe Thiện, chị Tú rưng rưng: "Tiệm sửa xe là cuộc đời của chồng tôi. Chồng tôi 'lên trời', mang tất cả đi theo anh ấy rồi".
Anh Thiện (sinh năm 1972) chồng chị mở tiệm sửa xe ngay từ khi còn trẻ, tính đến nay đã được gần 20 năm. Từ khi lấy chồng, chị thôi làm công ty, ở nhà phụ chồng sửa xe, coi tiệm.
Để có thêm thu nhập, chị còn tranh thủ đi mua ve chai dạo.
"Lúc đó, vợ chồng tôi vất vả lắm, nhưng hạnh phúc. Anh lúc nào cũng quan tâm, lo lắng cho ba mẹ con", chị Tú nghẹn ngào nhớ lại.
Tưởng như gia đình nhỏ sẽ mãi êm đềm, cho đến khi dịch Covid-19 ập đến, cướp đi người cha, người chồng, người trụ cột gia đình của mẹ con chị Tú.
Gương mặt đẫm nước mắt khi nhớ lại ngày cuối cùng được bên chồng, chị kể: "Sáng hôm đó, 22/7/2021, trong lúc chờ nhân viên y tế phường tới đưa đi điều trị, tôi có vào phòng hỏi anh muốn ăn cháo cá hay cháo thịt. Khi bưng bát cháo ra thì anh kêu khó thở. Lúc này tôi gọi điện khắp nơi cầu cứu và cố gắng vuốt ngực cho chồng. Nhưng anh đã nguy kịch và không qua khỏi, ra đi ngay trước mặt tôi. Sẽ không bao giờ tôi quên được hình ảnh đó".
Nhớ lại giây phút đó, chị Tú vẫn nghẹn ngào, tưởng rằng bản thân cũng đã theo anh "lên trời". Sau khi chồng mất chỉ ít ngày, chị cùng con gái lớn phải đi cách ly tập trung do cũng mắc Covid-19.
Thời gian đó, con trai chị mới đang học lớp 6 phải ở nhà một mình. Vừa đau lòng vì chồng qua đời, bản thân lại mắc Covid -19 cùng nỗi lo cho con trai ở nhà một mình, chị Tú tưởng chừng như không chịu nổi.
Sau đó, để cầu nguyện cho chồng siêu thoát, chị Tú đã lên chùa, nhờ sư thầy cạo đầu, tu tại tâm, mong tìm được chút an ủi, cân bằng trong lòng. Người dân quanh chợ Bờ Ngựa bất ngờ khi không còn thấy mái tóc dài, đen nhánh của vợ anh chủ tiệm sửa xe Thiện, chỉ còn người phụ nữ trọc đầu, u sầu.
Nhặt ve chai để nuôi con ăn học
Sau khi chồng mất, một thời gian sau, chị Tú cố gắng mở cửa tiệm sửa xe trở lại. Lúc này, ai đi ngang qua ghé tiệm chị cũng hỏi: "Chồng đâu, sao chỉ có mình chị sửa xe?". Đau lòng quá, chị lại khóc.
Một tháng sau, chị quyết định đóng cửa tiệm, trả lại mặt bằng, trở về nhà cũ.
"Mấy đứa trẻ nói với tôi rằng, cha "lên trời" rồi, giờ chỉ có má chăm lo cho chúng con mà nhiều hôm mải làm ở tiệm sửa xe, không có ai đón tụi nhỏ, khiến tôi rất băn khoăn. Thế nên, tôi quyết định dẹp tiệm, mang đồ nghề trở về nhà, để có thời gian đưa đón, chăm sóc con cái", chị Tú bộc bạch.
Chỉ vào đống đồ nghề, chị Tú bảo, cũng có người trả tiền mua lại chúng nhưng vì tiếc đó là kỷ vật của chồng nên chị không bán. Thỉnh thoảng, người trong xóm đến sửa xe chị cũng tự tay làm cho khách. Sau nhiều năm phụ chồng, chị biết vá lốp, thay ruột xe, thay nhớt, bố thắng, sên nhông dĩa, bạc đạn…
Ngoài thời gian đưa đón con đi học, nấu ăn cho chúng, chị Tú cũng đi thu gom phế liệu, bán kiếm thêm đồng ra đồng vào. Nhiều người trong xóm biết đến hoàn cảnh của chị đã lưu số điện thoại, có ít ve chai dồn góp là gọi chị đến lấy.
"Mỗi ngày, đều đặn sửa xe và nhặt ve chai tôi cũng kiếm được 150.000 đồng. Thỉnh thoảng đông khách hay nhiều phế liệu, số tiền kiếm được có thể lên mức 200.000 đồng. Một mình tôi bây giờ cứ làm như vậy, chỉ mong xoay sở tạm đủ để nuôi hai con ăn học. Cứ đến đâu, mình tính đến đó", chị Tú thở dài.
Thấy mẹ liên tục trào nước mắt, cậu con trai nhỏ ngồi học bài bên cảnh thi thoảng lại quay sang đặt tay lên vai mẹ, an ủi.
Một người phụ nữ nhỏ bé, sau biến cố bất đắc dĩ trở thành trụ cột của gia đình. Chị tự nhủ với bản thân rằng không thể gục ngã, phải luôn cố gắng. Vì bên cạnh chị bây giờ là các con, chị phải là chỗ dựa vững chắc cho bọn trẻ.
Dương Thùy